Nữ học PhD


Sẽ có những người nghĩ rằng tôi nói những điều này để thanh minh, để che dấu nỗi lo sợ, rằng tôi không kiếm được ai nên mới nói như vậy. Kệ họ thôi. Xưa nay tôi vốn là người ngồi xổm trên dư luận, làm những việc không giống ai. Tôi nghiên cứu về hôn nhân và gia đình từ mấy năm nay. Tôi hay đọc báo lá cải vì nó phục vụ nghiên cứu của mình và còn vì một lý do cá nhân. Tôi rất bất mãn vì những luận điệu tràn ngập trên báo VN về gái ế này khác, và tôi nghĩ rằng nó sẽ tác động xấu đến nhiều phụ nữ, nhất là những người có tài, IQ cao và/hoặc đơn giản là có ý chí tiến thủ. Thế nên tôi thấy cần chia sẻ triết lý sống của mình. (Thực ra nhiều điều trong số này tôi đã nói từ cách đây cả chục năm trên tathy chứ không phải bây giờ mới nói.)

Người Việt không được giáo dục đầy đủ về kỹ năng sống tự lập và độc lập. Truyền thông đại chúng chỉ ra sức tuyên truyền những luận điệu cổ hủ để bảo vệ những giá trị truyền thống mà thực ra chỉ để làm khổ đàn bà, kéo tuột tất cả những người tài năng hoặc có chí xuống ngang hàng với những người khác. Trong khi ở phương tây, rất nhiều người sống độc thân hoặc không kết hôn. Để sống như vậy, họ cần phải tập luyện từ nhỏ khả năng tự lo tất cả mọi việc trong cuộc sống. Và họ thực sự hài lòng cuộc sống độc lập. Ở phương tây hiện nay rất ít người quan niệm “hôn nhân một lần là vĩnh viễn”. Monogamy hiện giờ được hiểu là serial monogamy. (Các bạn có thể xem bài “The future of the family in North America” của Shawn Haley). Chuyện sống chung không kết hôn, sống độc thân, cha mẹ đơn thân cũng rất phố biến. Với quan niệm đa dạng và phóng khoáng như vậy, đời sống hôn nhân không phải là thứ quan trọng nữa cho nên cả đàn ông lẫn đàn bà đều có thể toàn tâm toàn ý theo đuổi những đam mê của mình.

Một nhược điểm rất lớn của người Việt (và châu Á nói chung) là lo xa và khả năng chấp nhận rủi ro kém. Từ 20 tuổi đã tính đến năm 40, 50 tuổi thậm chí cho đến lúc về hưu, lúc từ giã cõi đời. Tính quá xa như vậy nên họ không có khả năng đương đầu với thử thách, bởi sự rủi ro rất dễ làm hỏng các kế hoạch dài hạn, vốn cần được đầu tư lớn. Trong khi để thành công trong mọi lĩnh vực ít nhiều đều cần một chút liều lĩnh. Từ 20, 30 tuổi họ đã tính là phải lập gia đình để có con, có chỗ nương tựa lúc về già. Tôi không nói về những người thực sự ham thích cuộc sống gia đình hoặc thích có con cái. Nhưng hẳn sẽ có nhiều người không tìm được người thực sự ưng ý để kết hôn, không cảm thấy thực sự cần hôn nhân hoặc con cái, nhưng vì áp lực của gia đình xã hội, vì bản thân họ lo xa nên cứ cố gắng sống giống mọi người. Đặc biệt là những phụ nữ tài năng và có chí tiến thủ. Tôi nghĩ đàn bà cũng giống như đàn ông, càng tài năng/ý chí thì nhu cầu thể hiện bản thân càng lớn, mọi nhu cầu đời thường khác càng bị lấn át. Sẽ thật đáng tiếc nếu họ bị buộc phải từ bỏ những hoài bão của mình để theo đuổi cuộc sống gia đình kiểu VN mà tôi dám chắc khả năng đem lại hạnh phúc cho họ tương đối thấp.

Quan niệm gia đình của người Việt đem lại nhiều bất lợi cho đàn bà tài năng/có chí hơn là có lợi. Nó lấy đi của họ quá nhiều thời gian và sức lực. Bản thân tôi không nghĩ rằng mình có tài. Nhưng là người tư duy triết học, tôi luôn tâm niệm vợ chồng con cái là những thực thể khác mình, không liên quan gì đến mình. Chồng tôi, con tôi là Einstein đi nữa thì tôi cũng không lấy đó làm tự hào. Chỉ duy nhất những gì do bản thân tôi làm ra mới có ý nghĩa mà thôi. Tôi luôn nghĩ rằng mọi quan niệm về hôn nhân của người Việt sẽ dần dần hội tụ với phương tây. Hôn nhân là thứ có rủi ro rất cao, bởi vì để có hạnh phúc đòi hỏi nỗ lực của cả hai chứ không phải chỉ của một mình bạn. Nghĩa là không phải bạn tự quyết định và nỗ lực mà được. Trong khi bạn có thể hoàn toàn kiểm soát mọi sự đầu tư cho công việc. Đừng nghĩ rằng ngày hôm nay bạn phải lập gia đình phải có con để đề phòng lúc đau ốm, khi về già. Hãy nghĩ rằng đến 50-60 tuổi, chồng bạn chết hoặc li dị, li thân thế là bạn lại phải làm lại từ đầu. Chuyện đổ vỡ hôn nhân hiện nay rất phổ biến ngay cả ở VN. Hoặc cho dù không đổ vỡ, việc nó không diễn ra như bạn kỳ vọng, không hạnh phúc đến mức bạn phải hi sinh nhiều sở thích của mình là điều rất phổ biến. Còn một khả năng nữa là bạn không thể sống được đến già. Có con để hi vọng nương tựa cũng hết sức buồn cười. Bởi lẽ bạn phải đầu tư 20 năm mới có thể hi vọng được nhờ vào con cái. Hơn nữa, với sự tiến hóa của xã hội VN hiện nay, chuyện bố mẹ không được nhờ vả gì con cái, khi đau ốm, con cái ở xa không về kịp cũng là chuyện bình thường. Người phương tây được giáo dục để sống một mình, chỉ nhờ vả bạn bè, người thân lúc đau ốm hoặc thậm chí cũng chẳng cần nhờ vả ai. Có những người chết 1 mình cả chục năm không ai biết. Nhiều người nghĩ rằng kết cục như vậy thật đáng sợ. Bản thân tôi thì đã từng đôi lần bị ốm nằm một mình không ai biết, một phần vì ngại nhờ vả. Đôi khi tôi nghĩ rằng tôi chết cũng không ai biết. Nhưng tôi không thấy điều đó đáng sợ hoặc đáng thương bởi tôi đã quen làm mọi thứ một mình từ nhỏ. Tôi không nghĩ cuộc đời này có ý nghĩa nhiều lắm. Thế nên chết kiểu nào cũng đâu có gì quan trọng.

Một số người nghĩ rằng chúng ta phải lập gia đình, phải có con cái vì bố mẹ. Hãy giải thích cho bố mẹ rằng bạn sống một mình hạnh phúc thì còn tốt hơn nhiều một cuộc hôn nhân bất hạnh và bố mẹ không sống với bạn mãi được. Thực ra với một phụ nữ có tài, có chí hoặc đơn giản là khó tính, đòi hỏi cao, thì khả năng bất hạnh trong hôn nhân rất cao. Điều này không phải là suy nghĩ của riêng tôi. Khi tôi tham gia sinh hoạt với CLB các nhà khoa học nữ Hà nội cách đây 10 năm, hầu như tất cả các bà các chị đều nói như vậy. Và tôi tin chắc rằng, nếu các bạn tham gia CLB đó ngày hôm nay, lời khuyên ấy vẫn không thay đổi. Một số khác nói rằng không lập gia đình, không con cái là ích kỷ, chỉ biết nghĩ cho riêng mình. Đây lại là một sai lầm khác nữa. Bạn cống hiến thời gian và sức lực của mình để theo đuổi đam mê của mình để phục vụ xã hội là sự hi sinh rất lớn. Bạn không chỉ phục vụ một người đàn ông của mình mà cho mọi người đàn ông trong xã hội. Có vô số người trông đợi những đóng góp của bạn. Có vô số đứa trẻ cần nhìn vào tấm gương phấn đấu của bạn để tìm kiếm một lẽ sống. Bản thân tôi cũng luôn nhìn nhận những phụ nữ thành công, đặc biệt trong khoa học, với sự thích thú. 20, 30 tuổi là thời điểm năng lực sáng tạo cao nhất, hãy toàn tâm, toàn ý theo đuổi ước mơ của mình. Đừng nghĩ rằng sinh con, nuôi con lớn lên, đầu tư cho nó để nó thực hiện thay những mơ ước của mình, bởi chắc gi con cái đã tài năng/ ý chí bằng bạn.

Tôi không có ý định khuyên mọi người sống khắc khổ, không lập gia đình, không cần con cái và đầu tư tối đa thời gian cho công việc. Hãy làm những gì bạn thực sự mong muốn hoặc thực sự cảm thấy cần. Tuy nhiên, tuyệt đối không nên làm nếu chỉ vì bị áp lực phải như thế hoặc bởi vì bạn nghĩ đến lợi ích 20, 30 hoặc 50 năm nữa, hoặc nó làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến những sở thích khác của bạn, những điều đem lại cho bạn nhiều cảm hứng sống hơn. Bạn có thể sống với boy friend hoặc có thể lấy chồng bất kỳ lúc nào. Và không nhất thiết phải sống với đàn ông. Các bạn có thể sống với người thân, bạn bè đồng giới. Hiện bây giờ VN đã có các nhóm social group, nhóm ở TP HCM lên tới 15000 người. Họ là những người độc thân, chia sẻ với nhau cả vật chất và tinh thần. Con cái cũng vậy. Không con đẻ thì có thể kiếm con nuôi. Xã hội có rất nhiều trẻ mồ côi, trẻ vô thừa nhận cần đến bàn tay của bạn. Ấy là chưa kể khoa học công nghệ phát triển rất nhanh chóng. Nhiều thông tin cho biết trong vòng 20 năm nữa tuổi thọ con người sẽ được kéo dài đến 150. Còn có thông tin rằng trong thời gian ngắn nữa ngoài 50 tuổi vẫn có thể có con. Không rõ người khác thế nào, với riêng tôi, không con cái cũng không có gì đáng buồn. Tôi không nói dối điều này bởi nhu cầu con cái là nhu cầu bản năng, phụ thuộc vào đồng hồ sinh học. Nếu đồng hồ sinh học của tôi lên tiếng thì tôi cũng khó mà cưỡng lại. Chỉ có điều đến giờ nó vẫn không lên tiếng. Nhưng tôi không phải là người đặc biệt bởi có rất nhiều người phương tây giống như tôi. Có lẽ nhiều phụ nữ Việt cũng giống vậy nhưng họ bị dư luận xã hội (mà chủ yếu là dư luận của những phụ nữ bình thường) đánh lừa mà thôi.

Còn một luận điệu cuối cùng là hạnh phúc gia đình phải đầu tư từ trong thời gian dài mới kiếm được quả ngọt. Cuối đời ta mới nhận thấy quan trọng nhất không phải là ta làm được cái gì mà là đem lại điều gì cho người thân, rằng cuối đời ta sẽ phải sống nuối tiếc nếu không đầu tư cho gia đình con cái. Như tôi đã nói hạnh phúc gia đình là thứ có rủi ro cao và không đáng để đánh đổi đối với nhiều phụ nữ tài năng hoặc ý chí. Hạnh phúc có thể đến từ rất nhiều nguồn khác: công việc, giải trí, bạn bè, người thân. Không nên nghĩ rằng chỉ đem lại niềm vui cho người thân mới là hi sinh bởi cống hiến đối với xã hội còn lớn hơn rất nhiều. Nếu bạn không đầu tư cho gia đình con cái thì có thể về già bạn sẽ phải hối tiếc. Nhưng nếu bạn không đầu tư thích đáng cả thời gian và sức lực cho đam mê của mình thì suốt quãng đời tuổi trẻ bạn đã phải tiếc nuối. Bạn sẽ AQ, bất đắc chí, thậm chí ghen tị với những kẻ mà bạn cho rằng kém hơn mình nhưng nỗ lực nhiều hơn hoặc may mắn hơn. Nếu bạn cố gắng hết sức nhưng không thành công bạn có thể hài lòng bởi dù sao mình cũng đã cố gắng hết sức, nhưng tài năng và vận may của mình chỉ có vậy. Nhưng nếu không cố gắng, thì đến tận lúc chết bạn vẫn phải nuối tiếc.

Tôi không có ý định chê bai lẽ sống của người khác. Nhưng tôi cũng phải nói thật rằng, đối với tôi, hôn nhân là chuyện riêng tư, chả có gì đáng để so sánh. Cứ làm thế nào để tồn tại vui vẻ là được. Chỉ có những con người phi thường hoặc với những nỗ lực phi thường mới khiến tôi cảm thấy cuộc sống có chút ý nghĩa nào đó. Tôi rất thông cảm với những người thiếu may mắn nhưng không có những sự đồng cảm nào với những người AQ, những người chỉ mải mê đầu tư cho gia đình con cái rồi lại bỉ bai những người khác, những người theo đuổi sở thích của họ mà coi nhẹ chuyện gia đình.

Có lẽ tôi rất cần nói ra những điều này bởi những luận điệu bảo vệ cho những giá trị truyền thống của phụ nữ ở VN đã quá thừa.

http://vietphd.org/forum/showthread.php?t=3274&page=20