Review: Parade (2010)

Nguồn: http://hhnd2002.wordpress.com/2011/02/04/parade/

Tóm tắt: Parade kể về 4 thanh niên sống trong một căn hộ ở Tokyo, và một ngày nọ, một cậu thanh niên 18 tuổi quan hệ với những người đàn ông khác để kiếm tiền dọn vào ở chung với họ. Trong thời gian này, ở khu vực đó xảy ra một vụ hành hung những thiếu nữ trẻ bí ẩn mà không để lại chút dấu vết của hung phạm. Phim xoay quanh cuộc sống của từng người và đi vào hai chủ đề chính – sự dựa dẫm vào lẫn nhau về mặt tinh thần của những người sống chung phòng và cái gọi là sự thật.

Ở cả hai chủ đề – sự phụ thuộc về mặt tinh thần, và sự thật, phim đều có cố gắng đưa câu chuyện của 4 người quy về một mối, và tuy chưa thành công trọn vẹn, phim vẫn để lại nhiều suy nghĩ về cuộc sống hiện đại và mối quan hệ giữa chúng ta với nhau trong đời sống thường ngày. Hầu hết đoạn đầu bộ phim gây cảm giác khá rời rạc, nhất là câu chuyện thứ nhất của Ryosuke (Koide Keisuke) được giải quyết quá nhanh gọn, và tuy Koide Keisuke là diễn viên thuyết phục nhất phim, khán giả xem phim vẫn không có ấn tượng nhiều về anh và về cuộc sống của nhân vật mà chỉ biết rằng anh là một người khá đơn giản.

Nhân vật thứ ba, Mirai (Karina) là nhân vật tôi không hài lòng nhất, một chút quá khứ được hé lộ, một chút hiện tại thể hiện lướt qua bằng đoạn băng, nhưng Mirai lúc thì có vẻ rất tự tin nhưng cũng có những lúc vô cùng yếu đuối một cách mâu thuẫn. Lẽ ra đây có thể là một nhân vật có nhiều tiềm năng để khai thác, nhưng Isao đã không làm được điều đó, và nhân vật mấu chốt của phim – Naoki – cũng vậy. Với bước ngoặt có thể đoán trước được diễn ra quá bất ngờ ở cuối phim, người xem không hiểu được vì sao Naoki lại là người như thế, mà chỉ có thể mù mờ đoán rằng những người vẻ bề ngoài càng có vẻ hoàn hảo bao nhiêu thì bên trong những sức ép buộc họ giữ vững vẻ bề ngoài hoàn hảo đó càng hủy hoại họ bấy nhiêu.

Nhân vật thú vị nhất – và tôi cho là thành công nhất – của phim là cậu thanh niên 18 tuổi Satoru (Hayashi Kento), người nối kết các câu chuyện với nhau. Satoru quan tâm đến Mirai một cách kín đáo và tinh tế là một Satoru khác, Satoru mà Naoki chứng kiến tại căn hộ của một người con gái trẻ nào đó là một Satoru khác. Những gì Naoki chứng kiến hoàn toàn trái ngược với những gì Mirai chứng kiến, ban đầu khán giả đinh ninh rằng Satoru là người đồng tính chính hiệu, nhưng qua những cảnh Naoki theo dõi thấy thì câu trả lời lại không đơn giản như vậy, và cho đến cuối, Satoru thực sự là ai không có câu trả lời dứt khoát, có lẽ vì chính bản thân Satoru cũng không có câu trả lời cho riêng mình. Tôi thích cái cách Naoki giải thích về Satoru cho Mirai nghe, “Không có Satoru nào là Satoru thật sự, chỉ có Satoru trong suy nghĩ của tôi, hay Satoru trong mắt cô mà thôi.” Chắc chắn không phải là trùng hợp khi người nói điều này với Mirai là Naoki, cũng là người che giấu sự thật lớn nhất của phim.

Đoạn giải quyết vấn đề của phim khá vụng về, tuy vậy đoạn kết của phim có thể chấp nhận được và khiến tôi hài lòng với cách các câu chuyện đóng lại. Tất cả mọi người đều biết sự thật, nhưng họ không nói gì cả. Cũng có thể bởi vì họ không quan tâm lắm đến cái “sự thật” đó, bởi Naoki mà họ biết là hình ảnh họ chấp nhận. Khi cả bốn người vây quanh bàn ăn nói đến chuyện đi dã ngoại và Naoki nằm xuống đất khóc, Mirai nghiêm nghị nhìn anh ta không phải để hỏi vì sao anh ta khóc hay để phơi bày sự thật to lớn kia, mà hỏi, “Naoki, anh cũng đi picnic đúng không?”

Có lẽ sự thật là thế nào cũng không quan trọng lắm trong cuộc sống của những người đó, những người rất cô đơn giữa Tokyo rộng lớn và đều phải phụ thuộc vào một điều gì đó – đôi khi là những điều bệnh hoạn – để tiếp tục sống. Và cuối cùng tôi nhận ra Satoru nói không sai, rằng chính cậu ta, một cậu trai 18 tuổi bán thân để sống, lại là người bình thường nhất trong những người trẻ tuổi đó – quan hệ với người yêu của bạn mình nhưng vẫn đi picnic với anh ta; ngồi chờ người yêu mỗi ngày chỉ để gặp anh ta trong vài giờ đồng hồ rồi làm tình và lại phải chia tay; xem những cảnh hãm hiếp để quên đi những nỗi lo sợ của bản thân trong quá khứ; và, hành hung những cô gái trẻ để giải tỏa những áp lực trong công cuộc chinh phục thế giới. Naoki, Mirai, Koto, Ryosuke, dù vẻ bề ngoài như thế nào, trong số bọn họ không có ai đáng ghê tởm hơn và cũng không có ai sạch sẽ hơn. So với những người kể trên thì Satoru còn bình thường chán. Họ chấp nhận những khiếm khuyết tưởng như là kinh khủng đó của nhau và tiếp tục sống. Là tốt hay là xấu? Không có câu trả lời, chỉ biết rằng dù sự thật có kinh khủng ra sao, họ vẫn đang sống.