Hai loại thành công

Có hai loại thành công ở đời:
 1. Có năng lực sáng tạo (cả hợp lý và phi hợp lý)
2. Dựa dẫm vào đám đông để kiếm tiền, quyền hay danh vọng.

- Loại 1 là bọn khoa học gia, tư tưởng gia, văn nghệ sỹ thuộc các trường phái cổ điển và chính thống (phi thị trường), vận động viên, các nhà chuyên môn khác...
- Loại 2 là những bọn còn lại: nhà quản lý, chính trị gia, doanh nhân, luật sư, văn nghệ sỹ thuộc trào lưu thị trường, các thủ lĩnh tôn giáo,...v.v...



Loại 2 sống nhờ đám đông. Không có quần chúng thì họ sẽ chết, nên buộc lòng phải chiều theo ý cộng đồng. Họ đầu tư rất nhiều thời gian cho cộng đồng và cũng nhờ vậy, kỹ năng xã hội của họ khá hơn. Những kẻ bình thường, kém thành công trong xã hội, vì thế cũng thường thích thú giao du với loại này. Một học thuyết được lan truyền phổ biến trong một xã hội nhiều định kiến kiểu như VN ta là một con người trưởng thành phải bao gồm vừa có tài, vừa có đức. Đức ở đây bao gồm các phẩm chất: nhân ái, chan hòa, yêu thương cộng đồng...

Nhưng thực ra học thuyết này chỉ đúng với loại 2 và những kẻ bình thường khác trong xã hội. Đây là cũng kim chỉ nam để giúp họ có thể thành công, hoặc bét ra, tồn tại được ở đời.

Sẽ rất lãng phí nếu như lão Edison không ngồi trong phòng nghiên cứu mà suốt ngày chạy lăng xăng tham gia các phong trào, hội hè. Nếu không có những kẻ khó chịu như Gates, những lão điên như Van Gog, Banzac, những gã lỗ mãng như Newton...thì cũng không có xã hội văn minh bây giờ. Tất cả những lão này thuộc loại 1, nghĩa là sự thành công của các lão không phụ thuộc (đáng kể) vào tình cảm yêu ghét hoặc ý kiến của cộng đồng.

Các xã hội phát triển phương tây hiện nay rất tôn trọng bản sắc cá nhân. Không có những người bị coi là lập dị, không có những chuẩn mực để xã hội noi theo. Can thiệp vào đời tư, công kích cá nhân bị coi là điều xấu. Vậy nên không có chuyện cộng đồng áp đặt cá tính, lối sống cho ai cả. Chị cũng hi vọng một ngày dân Việt ta hiểu được điều này. Đừng bắt một khoa học gia, một nghệ sỹ phải hòa nhã, thân ái như một chính trị gia, hay tận tụy hi sinh quên mình như một nhà sư. Mỗi người đều có chức năng xã hội của riêng họ.

Có những người lý sự rằng :"nhưng ít ra bọn đấy cũng phải lịch sự với người khác!". Chuyện lịch sự đôi khi cũng thật khó nói. Loại 1 thường không có điều kiện tiếp xúc thường xuyên với giới báo chí. Chính họ mới là những người thường bị loại 2 chèn ép, bị bọn này định hướng công chúng khiến công chúng tin rằng họ là những kẻ lập dị, vô vị, không thức thời, thậm chí bất tài v.v...

Lịch sự nhiều khi không chỉ là không nói tục, chửi bậy, không xem thường kẻ khác, mà còn là không lôi kéo kích động quần chúng, không lợi dụng truyền thông để hạ thấp trình độ, uy tín kẻ khác hoặc tự đề cao cá nhân mình quá thực lực, những thứ mà loại 2 thường làm rất thành thục.

Chị cảm thấy buồn khi có rất nhiều người cho rằng những người như NCT dù sao cũng có tài năng đến mức nào đó nên mới lừa được quần chúng để leo lên vị trí cao như vậy. Chị chỉ mong bà con hiểu rằng, mọi thứ tài năng phải được đặt đúng vị trí của nó, để phát huy đúng năng lực, sở trường thì mới có ích cho xã hội. Nghĩa là mọi thước đo phải được sử dụng ở đúng chỗ. Một chú bộ trưởng nhật bản bị mất chức, ô danh chỉ vì khai láo là đã tốt nghiệp đại học ở UCSD. Không biết đến bao giờ VN mới được như vậy??

Hơn nữa, có thật là trong thâm tâm các chú không cảm thấy coi thường những kẻ các chú cảm thấy quá thấp kém hay không? Các chú có giao du bạn bè với các ông xích lô, bà bán thịt hay không??? Có lần trao đổi với 1 thằng bé, cùng thời gian mình đọc 1 cuốn sách thì nó đọc được 5 cuốn, không những thế còn hiểu 1 cách sâu sắc. Mình biết thế là mình không thể là đối tượng bạn bè của nó được rồi, và nếu như nó khinh khi mình thì cũng không có gì khó hiểu lắm. Thể hiện ra ngoài hay không chỉ là hình thức thôi.

Chị nghĩ với loại 1 này, nếu các chú vẫn còn muốn giao du thì phải chứng tỏ được một tài năng khác khiến nó quan tâm. Mà không thì thôi, hãy quên họ đi, đừng cố gắng áp đặt những chuẩn mực cá tính theo mình nghĩ. Loại 1 này cũng phải chịu rất nhiều sức ép từ những kẻ cạnh tranh, và cả sự khinh khi từ những ngọn núi cao hơn. Họ luôn luôn phải phấn đấu vươn lên khó nhọc bằng thực lực chứ không chỉ bằng 1 nụ cười, 1 cái bắt tay của quần chúng như loại 2. Vậy nên đôi khi họ thể hiện thái độ khó chịu với những kẻ thấp kém hơn cũng là điều dễ hiểu

Link