Battle Royale và Hunger Games (Đấu trường sinh tử)


Nhân dịp sắp chiếu Hunger Games, tôi đọc cuốn sách mà ngày xưa tôi đã bắt đầu đọc nhưng bỏ dở là Battle Royale. Trừ trường hợp chưa từng nghe tới phim Battle Royale, tôi tin là bất cứ ai xem xong hay đọc xong Hunger Games đều sẽ nghĩ tới phim này. Dẫu thế, chính tôi cũng chưa được xem Hunger Games bởi vì nó chưa công chiếu, nên tôi chỉ có thể so sánh hai cuốn sách với nhau. Hunger Games có ba phần (Hunger Games, Catching Fire và Mockingjay). Trong đó, mockingjay là một sinh vật hoàn được tác giả hư cấu (Con này được bạn dịch cuốn Hunger Games – Đấu trường sinh tử dịch là con chim húng nhại. Sách đã xuất bản ở Việt Nam nên tôi cũng sẽ dùng luôn từ đó, bởi vì nó rất hay). Sự thành công của bộ ba Hunger Games ở nước Mỹ cũng dữ dội như Battle Royale ở nước Nhật. Tất nhiên, ở VN thì cả hai cuốn đều không mấy được chú ý, một phần vì Battle Royale chưa được dịch ra tiếng Việt, một phần vì chúng thiếu sự “nhẹ nhàng, tình cảm, không nhức đầu”- thứ mà đa số người VN ưa đọc.

 Phim Battle Royale là một bộ phim chuyển thể rất tốt, tôi nghĩ chính nó mới tạo nên tiếng tăm ở tầm thế giới cho cuốn sách. Tuy nhiên, như bất cứ một tác phẩm chuyển thể nào, nó không bao giờ cho thấy được trọn vẹn những gì nhà văn muốn nói. Phim thường thì sến hơn, tích cực hơn và bỏ qua các nhân vật phụ. Dẫu thế, bộ phim đã mang tới cho người xem điều quan trọng mà cuốn sách không có: ông thầy giáo (do Takeshi Kitano đóng). Nhân vật đó mang tới cho người xem nhiều suy nghĩ, đẩy tình huống lên căng thẳng, đẩy tính chính trị xuống thấp và gây ra cả tiếng cười (điều mà cuốn sách hoàn toàn thiếu vắng).

Dù sao đi nữa, tôi lại lạc đề. Vì tôi đang định nói về hai cuốn sách được viết ở hai đất nước (có thể nói là đang giàu mạnh nhất thế giới) và một chút về tôi, một người sống ở đất nước thuộc hàng bét này. Tôi thấy hầu hết (hay là tất cả) – các tác phẩm văn học ở Việt Nam thích nói về hiện tại và quá khứ. Trong khi đó, các tác phẩm (dù để giải trí) ở nhiều nước đã bắt đầu viết nhiều về tương lai (và phim cũng vậy), họ bắt đầu tính tới những bước tiếp theo của nhân loại, trong khi chúng ta vẫn kẹt lại ở đây. Dẫu thế, tôi nghĩ bất cứ ông thầy giáo dạy lý luận văn học nào cũng sẽ nói, dù nói tới quá khứ hay tương lai, thì đích đến của văn chương luôn là hiện tại. OK.

Quay lại với hai tác phẩm cụ thể. Hunger GamesBattle Royale có nhiều điểm giống nhau.


- Chúng đều lấy bối cảnh ở một thì tương lai không xác định (hoặc ít nhất là chưa từng xảy ra trong thực tế).

- Chính phủ trong cả hai cuốn sách đều độc tài. Dẫu thế, người Nhật có lẽ không có từ phân biệt đối xử hay đói khổ trong từ điển, nên hoàn cảnh sống của các nhân vật trong sách rất no đủ, sung túc. Shuya Nanahara, nhân vật chính trong truyện mồ côi cha mẹ, nhưng được nuôi trong một cô nhi viện tốt đẹp và chăm sóc tử tế (thế mới thấy cái gọi là độc tài trong tưởng tượng của Nhật cũng có khác nước khác đôi chút). Trên thực tế, đời sống trong Battle Royale chẳng khác gì đời sống trong các truyện tuổi teen của Nhật: lớp học có ngôi sao, có phe phái, có băng đảng, có yêu đương, có thư tình, có bắt nạt…

Trong khi đó, Hunger Games vẽ ra một cảnh giống với nhiều đất nước trong thực tế hơn. Khoảng thời gian trong truyện là khi Bắc Mỹ đã hoàn toàn sụp đổ, và một đất nước tên là Panem được thành lập. Đất nước có 12 quận (từng có quận thứ 13, nhưng nó đã bị gạch tên khỏi danh sách) và một thủ đô tên là Capitol. Mỗi quận có một nhiệm vụ, lao động, sản xuất và chuyển mọi thứ họ làm được về Capitol. Trừ Capitol (và có thể là quận 1, 2), người dân các quận sống trong cảnh bần hàn, khổ cực và bị tước đi mọi quyền tự do.
- Và, chính yếu nhất trong cả hai cuốn sách, là nhân vật chính đều phải trải qua một cuộc chơi chém giết. Lớp học của Shuya được chọn cho Battle Royale Act. Cả lớp được dồn lên một hòn đảo, tròng cái vòng vừa là máy theo dõi, vừa là mìn lên cổ. Chúng buộc phải giết những đứa khác trong lớp cho đến khi chỉ một đứa sống sót. Kẻ sống sót cuối cùng sẽ được nhà nước chu cấp tới mãn kiếp và trở thành anh hùng.

Còn trong Hunger Games, sau một cuộc nổi dậy của 13 quận, những kẻ độc tài ở Capitol bày ra Hunger Games. Hàng năm, mỗi quận sẽ có hai đứa trẻ, một trai một gái, bị chọn theo cách bốc thăm ngẫu nhiên buộc phải tham gia vào trò chơi này. Luật chơi cũng như vậy, chúng phải giết nhau cho tới khi chỉ còn một kẻ duy nhất sống sót. Kẻ đó sẽ được nhà nước nuôi như hoàng đế, sống trong làng Victory, và quận của kẻ đó sẽ được tăng thêm phần lương thực để họ được ăn no cả năm.

Nếu chỉ xét tới tập 1 của Hunger Games, thì cuộc chiến của cuốn sách Mỹ đỡ tàn bạo hơn cuốn sách Nhật. Vì dù sao, Katniss – nhân vật chính, người kể chuyện – phải đối mặt và chém giết những kẻ mà cô ta không quen biết. Trong khi đó, với Battle Royale, các nhân vật buộc phải chống lại chính bạn bè mình, những kẻ không những ở gần họ nhiều năm, mà còn hiểu rõ họ nữa.

- Hunger GamesBattle Royale đều kể về một đôi trẻ nọ bị cưỡng chế tham gia vào trò chơi (Katniss-Peeta và Shuya-Noriko). Mối quan hệ của Shuya và Noriko trong sách khác với phim và đúng kiểu thường gặp trong nhiều cuốn sách Nhật khác. Shuya quyết tâm bảo vệ Noriko vì cô là người mà Nobu –  bạn thân của Shuya, người đã bị giết trước khi trò chơi bắt đầu – thầm yêu trộm nhớ. Tất nhiên, là ở cả hai cuốn sách, đôi bạn đều được sống sót, và việc họ sống cả đôi khởi đầu cho một sự phản kháng.
Thậm chí từ trước đó, Katniss và Shuya đều là những người không “yên phận”. Katniss vì miếng cơm manh áo mà buộc phải đi vào khu rừng cấm để săn bắn, còn Shuya thì vẫn giữ nguyên vẻ ngoài bụi bặm của một gã mê nhạc rock, dù thứ âm nhạc này bị cấm ở nước Greater East Asian.

Giờ thì tới sự khác nhau của hai tác phẩm.

- Hunger Games là sản phẩm của nước Mỹ, ở nước Mỹ, cái gì cũng có thể là câu chuyện của truyền thông. Vì thế, đấu trường được truyền hình trực tiếp. Đó cũng là cách để Capitol – những kẻ thống trị nói với đám dân bần hàn rằng: các ngươi thấy đấy, cứ đòi nổi dậy đi, rồi chúng ta sẽ bắt con cái các ngươi phải giết nhau để bọn tao xem giải trí.

Katniss trong Hunger Games có lẽ có thể khiến các bạn liên tưởng tới ông Đoàn Văn Vươn đôi chút. Tất cả những gì cô muốn làm là bảo vệ gia đình mình, mạng sống của mình, và của người đi cùng với mình từ quận 12. Vì thế, cô đã thực hiện một hành động nổi loạn, nhưng biết chắc là đánh vào đám truyền thông, để đảm bảo cả hai người đều được sống sót. Tuy nhiên, chính hành động tự cứu mình ấy lại biến cô thành biểu tượng của sự nổi dậy, thậm chí là động lực để người dân khốn khổ dám làm điều họ vẫn sợ hãi. Cô chỉ muốn sống, nhưng cuối cùng cô “phải” trở thành con chim húng nhại và để ở các tập sau, nhiều người phải hy sinh mạng sống của mình để bảo vệ cô.

Bi hài kịch trong cuốn sách này nằm ở chỗ, sở dĩ Katniss làm được việc cứu mình và Peeta là bởi cô biết những người tổ chức trò chơi, dù tàn bạo, cũng sợ truyền thông. Những người dân bị bóc lột và đày đọa thực sự ở các quận, dù đau xót khi thấy con em mình bị giết, vẫn không thể cất được lên tiếng nói. Thay vào đó, chính những kẻ sống ở Capitol, những kẻ thích có việc để xem, có chuyện để bàn tán, có mất mát để phẫn nộ, có con bài để đánh cược, những khách hàng thực sự của truyền thông, mới là cứu cánh cho cô. Cô phải sống, thì mới có chuyện để chúng theo dõi tiếp. Sau đó mới là chuyện cô sống để tinh thần cách mạng được bùng lên.

- Trong khi đó, sản phẩm của nước Nhật cũng nói lên sự cô lập của người Nhật. Cuộc đấu Battle Royale được tổ chức trên một hòn đảo bí mật và sẽ không ai ngoài những kẻ tổ chức và những kẻ bị buộc phải tham gia biết được chính xác nó nằm ở đâu. Trái lại với Hunger Games, Battle Royale dành ra rất nhiều trang viết về đạo đức, về việc giết bạn mình có phải là một hành vi trái với lương tâm hay không. Đấu trường trong Hunger Games là cách để chính phủ tra tấn và trấn áp những kẻ theo dõi còn đấu trường trong Battle Royale là cách để chính phủ tra tấn những công dân trẻ, bắt chúng phải đối diện với sự sợ hãi và bóng tối trong bản thân. Đấu trường trong Hunger Games là câu chuyện của sự đấu tranh và tồn tại thực sự, còn trong Battle Royale là chuyện bạn có đủ dũng cảm (và may mắn) để tiếp tục làm người hay không. Chính vì thế, Battle Royale giống một bức tranh về những cuộc đấu nội tại, với sự yếu đuối, nỗi sợ hãi, nghi ngờ trong chính mình để có thể đi tới những hành động chiến thắng, hơn là một cuộc đấu người với người thực sự. Nhiều nhân vật trong cuốn sách đã bàn tới chuyện cùng trốn thoát, nhưng họ không thể thực hiện được điều đó khi nỗi sợ hãi trong chính họ còn lớn hơn sự quyết tâm. Ba tập Hunger Games (mỗi tập hơn 300 trang) nói về chuyện Katniss khám phá sự thật về người khác, về đời sống chính trị, xã hội, còn cuốn sách dày 1000 trang Battle Royale nói về chuyện người ta tự khám phá chính mình.

Tôi nhớ, có lần tôi đã được đọc ở đâu đó về bộ phim Battle Royale, nói về chuyện phim này nói lên điều gì về con người Nhật Bản. Người ta đều biết rằng hơn bất cứ quốc gia nào, người Nhật cổ vũ cho sức mạnh cá nhân. Cuộc chiến trong Battle Royale chính là cuộc sống thực ở Nhật, khi một cá nhân buộc phải đối diện với những thử thách thực sự mà họ phải quyết tâm để vượt lên, nếu không muốn bị nghiền nát. Có những nhân vật trong Battle Royale tự sát với lý lẽ rằng họ sẽ không giết bạn bè mình, và cũng không để cho bạn bè giết mình. Thế nhưng, nếu nhìn vào theo một hướng khác thì họ hèn nhát, bỏ cuộc. Shuya và Noriko đã chọn một cách khác: không giết bạn bè mình (trừ một chuyện tự vệ gây chết người) mà vẫn sống sót. Tuy thế, sự sống của họ thực ra lại là do công lao của Shogo Kawada, người sẵn sàng ra tay bắn giết (hoặc tự nhận là đã bắn giết) để bảo vệ đôi chim bồ câu trong sáng. Thực ra thì, không có cái thiện nào được yên mà sống sót, nếu không có một kẻ hi sinh đóng vai ác hộ nó.

Nếu nói về chuyện viết lách, Hunger Games có ưu điểm là bịa ra được khá nhiều sinh vật kỳ cục, những sinh vật, theo câu chuyện, là những thứ vũ khí sống được Capitol tạo ra để tiêu diệt những kẻ nổi loạn. Hình ảnh đẹp nhất, tất nhiên là húng nhại (mockingjay), nó là sinh vật được tạo ra từ jabberjay – những con chim biết ghi nhớ tiếng người, tạo ra để theo dõi phiến quân -  và mockingbird – con chim vốn vẫn là biểu tượng của sự lương thiện và trong sạch. Con chim ấy chính là tinh thần không chỉ của Katniss, mà của toàn câu chuyện trong cuốn sách, khi một sản phẩm của chiến tranh và một sản phẩm của hòa bình tạo thành một biểu tượng của tự do.

Tuy nhiên, Battle Royale vượt hơn hẳn về mặt chi tiết. Tôi luôn có cảm giác mọi cuốn sách Nhật đều khiến người ta mê đắm vì các chi tiết. Chúng luôn được mô tả kỹ lưỡng, sinh động và đầy cuốn hút. Điều buồn cười là dù Suzanna Collins cố gắng miêu tả kỹ tính cách của từng nhân vật để tạo ra sự khác biệt, thì kết quả đạt được của cô vẫn còn khá khiêm tốn, nhân vật của cô đại để cứ na ná nhau. Trong khi đó, Koushun Katami dù mô tả nhiều nhân vật của mình theo cái kiểu tâm lý chung thì lại tạo thành một dàn nhân vật độc đáo, một người một kiểu.

Thế nhưng, tôi thích một phần trong đoạn cuối của Hunger Games, khi Katniss nói chuyện với kẻ thù của mình và nhìn ra được một sự thật quan trọng về toàn bộ cuộc chiến, về cái giá phải trả của việc bạn trở thành con chim húng nhại và tự do. Trong Battle Royale, Noriko dẫu nhất quyết không muốn chạm tay vào giết ai, cũng phải có lúc phải cầm lấy súng để chiến đấu lại với cái ác. Tuy vậy, câu chuyện trong Hunger Games mang rõ tính chính trị hơn, và nó nói lên chuyện thực ra mọi cuộc chiến là như thế nào hơn là chuyện một cá nhân, hay cá thể anh hùng phải hi sinh. Trong mọi cuộc chiến quyền lực, bạn phải “hiến tế” một phần của mình cho cái ác, đó là việc đương nhiên.

Hài hước thay, Shuya và Noriko cuối cùng lại muốn chạy sang nước Mỹ. Mỹ – nơi là biểu tượng của tự do trong Battle Royale, cuối cùng lại là bối cảnh để Hunger Games diễn ra. Vậy nên, xét cho cùng thì ở đâu có tự do và công bằng thực sự? Việt Nam chăng? :))

Cả hai cuốn sách này, trên thực tế đều là những sản phẩm được cho là dành cho teen. Thế nhưng, đã có lần tôi viết trên facebook rằng Hunger Games khiến tôi nghĩ tới chính mình. Cái gọi là tương lai đen tối của Bắc Mỹ, xem ra cũng không khác gì hiện thực ở những nước nghèo khó, sống dưới chế độ độc tài hiện nay là bao nhiêu. Và tôi thấy nhiều người xung quanh mình, tự xông ra đóng vai như Katniss. Mọi cuốn sách về chuyện chiến đấu với sự độc tài (ngay cả Harry Potter chẳng hạn), đều đi đến một đoạn kết hoành tráng khi nhân vật chính, sau khi tuôn ra vài lời phẫn uất, hi sinh vài ba thứ, đã có cả quần chúng, rồi đơn thân độc mã đối mặt với tên trùm bóng tối, giành chiến thắng trong mồ hôi máu chảy. Thế nhưng, để nhân vật chính đến được tới đoạn đó, không biết bao nhiêu nhân vật phụ phải ngã xuống, thậm chí cả quận 12 trong Hunger Games bị ném bom hủy diệt hoàn toàn. Tôi nghĩ, sách luôn khiến chúng ta quan tâm tới số phận nhân vật chính, nhưng liệu chúng ta có dám đóng nhân vật phụ hay không, đó mới là vấn đề.

Hôm nọ, người bạn cũ của tôi viết về chuyện Bảy viên ngọc rồng, khi Goku muốn chống lại kẻ ác thì phải huy động sức mạnh của cả thế giới. Tuy nhiên, thế giới này có ai biết Goku là ai, họ chẳng thèm bận tâm. Cho đến khi thằng lực sỹ tóc xù hay khoác lác Satan gào lên: Có giơ tay lên không thì bảo?, họ mới hồ hởi làm theo lời người anh hùng của họ. Bạn tôi hỏi Satan giờ ở đâu. Tuy nhiên, tôi nghĩ, giả sử chúng ta đối đầu lại với một gã ngoài hành tinh siêu cường, cái cần đầu tiên vẫn phải là Goku. Nếu không có Goku, thì Satan có gào thét thế nào đi chăng nữa, sức mạnh của hàng triệu người kia cũng chỉ bắn tứ phía lên trời trong lãng phí, nếu may mắn không tự làm thương nhau. Cũng như Shuya và Noriko cần phải có Shogo Kawada mới biết được mục đích họ được sống tiếp là gì. Hay Katniss, cô phải cần có Haymitch (người hướng dẫn cho cô trong các cuộc đấu), chỉ cho rằng: “Trong đấu trường, cháu cần phải biết ai là kẻ thù thực sự.” Chưa kể như trong Battle Royale, bạn không thể chiến thắng được kẻ thù thực sự, nếu bạn không biết cách chiến thắng chính mình và tiêu diệt những kẻ, dù là bạn bè mình, ngăn cản mình trên con đường lớn. Và cuối cả hai cuốn sách, khi công lý đã được thực hiện, người ta vẫn biết rằng chẳng có cuộc chơi nào kết thúc. “There are many worse games to play.” Những con lợn, sớm muộn, rồi cũng đi bằng hai chân thôi.