Ma vương kể về câu chuyện hai người đàn ông có số phận liên kết với nhau bởi một vụ án mạng xảy ra hơn mười năm về trước. Vụ án mạng tuy đã được khép lại từ lâu nhưng những uẩn khúc và hệ quả từ nó vẫn còn dai dẳng qua nhiều năm, ảnh hưởng tới nhiều người, và là nguyên nhân của những bi kịch trong quá khứ lẫn hiện tại. Ma vương, là cuộc đấu tranh không ngừng giữa xấu và tốt, giữa thù hận và tha thứ, giữa bất công và chính nghĩa trong cùng một con người. Ma vương, có đầy đủ mọi cung bậc của cảm xúc, khi dịu dàng chậm rãi, khi dồn dập hối hả, khi ngọt ngào đằm thắm, khi đau đớn bi phẫn. Từ từ, từng chút một, nó cuốn người xem vào mạch phim, vào từng tình tiết, diễn biến tình cảm và tâm lý của nhân vật. Đôi khi, nó khiến tôi bối rối vì không thể xác định được lằn ranh giữa đúng và sai, đôi khi nó thực đến nỗi thô bạo và tàn nhẫn. Nhưng đôi khi nó cũng là mơ. Giấc mơ bình dị của đứa con côi muốn được gặp lại những người thân yêu mà bao năm anh vẫn nhung nhớ, giấc mơ đơn thuần của một cô gái nhỏ bé muốn được xoa dịu và ở bên người mình yêu mãi mãi, giấc mơ mãnh liệt đến thành khao khát trong tim của cậu học trò trót gây lỗi lầm muốn được thứ tha.
Nửa đầu năm 2007, Hàn Quốc ra mắt Devil, phiên bản đầu tiên, và rồi đến hè 2008, Nhật Bản lại đem câu chuyện đầy kịch tính này lên màn ảnh. Hai bộ phim, tuy không đạt được rating cao chót vót như một số bộ phim tình cảm lãng mạn khác, nhưng được đánh giá rất cao, gặt hái được nhiều thành công, và là hai bộ phim nổi bật trong năm. Với dàn diễn viên tài năng, diễn xuất có chiều sâu, những thước phim được đầu tư và chăm sóc tỉ mỉ, cách sắp xếp mạch phim hợp lý, chặt chẽ, cả hai bộ phim đã chinh phục được rất nhiều khán giả, trong số đó có tôi, một người tự nhận là xem phim khá khó tính, không bao giờ chấp nhận được lối làm phim dễ dãi hay những câu chuyện hời hợt. Để phân biệt, xin được gọi bản Hàn Quốc là Devil, và bản Nhật là Maou.
Tuy nhiên, mức độ yêu thích của tôi với hai bộ phim là không giống nhau. Cách tiếp cận với cả hai là như nhau, bởi tôi không hề vì bất cứ diễn viên nào mà có thiện cảm hay thành kiến với một trong hai phim. Chỉ có một yếu tố duy nhất có lẽ đã ảnh hưởng đến cái nhìn của tôi, và nó hoàn toàn là yếu tố khách quan không tránh được, đó chính là thứ tự xem phim. Đối với những bộ phim khác, yếu tố này có lẽ không mấy quan trọng, và thực tế có những bộ phim được trình chiếu sau lại chiếm được nhiều tình cảm của người xem hơn. Nhưng riêng Ma vương, cốt truyện lại là một thành tố ảnh hưởng rất lớn đến hiệu ứng mà bộ phim gây ra cho bạn. Cốt truyện của Ma vương cực kỳ logic, vô cùng bất ngờ và hấp dẫn đến nghẹt thở, nó hay đến nỗi nếu bạn đã lỡ xem một trong hai phim và đã biết các tình tiết thì khi xem đến phim còn lại, dù rất khách quan, cũng sẽ có gì đó không hứng thú bằng. Riêng về cá nhân, tôi đã xem Devil trước (nguyên nhân là vì tôi vốn không có cảm tình với phim Hàn thời gian gần đây, nên sợ xem phim Nhật trước mà thấy hay quá, đến khi muốn xem để đánh giá cho thật khách quan bản Hàn sẽ không xem nổi, nên “bấm bụng” thiên vị bản Hàn một chút)
1. Posters:
Hình này đã được thu nhỏ. Click vào thanh này để xem hình gốc. Kích thước hình là 807x585.
Nhìn hai tấm poster, ta thấy rõ sự khác biệt. Ở bản Hàn (trên), đó là hai người đàn ông bị bủa vây bởi bóng tối, họ ngang hàng nhau, nhưng kẻ được nhìn từ mặt trước, người chỉ được thấy ở phía sau phản ánh vị trí của họ. Cô gái ở giữa với chiếc váy xanh, cô như một thiên thần có mặt ở đó để cứu rỗi cho hai con người đang lạc lối (và quả thực Seo Hae In luôn là nơi cả hai người tìm đến tìm sự thanh thản khi phải đấu tranh với chính bản thân mình), và cô tượng trưng cho hy vọng.
Ở bản poster bản Nhật (dưới), tôi thấy hai người đàn ông không đồng đẳng với nhau. Naruse ở vị trí từ trên cao, ánh nhìn như phán xét, và một bàn tay đang thít chặt, như thể hiện vòng vây đang từ từ bóp nghẹn kẻ thù. Serizawa nhỏ bé phía dưới, vị trí của kẻ tội đồ bị phán xử, không thể tránh né, cũng không thể trốn thoát bàn tay của "thần". Và sự thiếu vắng bóng dáng người con gái thánh thiện Shiori làm bức tranh thêm u ám, báo trước một cái kết rất tàn nhẫn của số phận 2 người.
2. Cốt truyện:
Khác với những phim trinh thám truyền thống, Ma vương không phân ranh giới thiện-ác, nạn nhân-hung thủ rõ ràng, không đơn giản xây dựng một bên là cảnh sát- người có vai trò phá án- truy bắt một bên là tội phạm- người gây án. Ở Ma vương, cảnh sát cũng từng là tội phạm, và tội phạm hôm nay lại chính là nạn nhân của tội ác ngày xưa. Cũng chuyện báo thù đấy, nhưng người mang thù hận không hề bị thù hận che mất lý trí, trở thành tên cuồng sát không ngại đạp phăng những người vô tội xuống địa ngục để phục vụ cho mục đích của mình. Ngược lại càng ngày, khi kế hoạch của anh càng gần đến thành công, anh càng đau đớn đấu tranh với chính mình, đấu tranh đầy khổ sở giữa ý nguyện báo thù và sự dằn vặt của lương tri khi đã lợi dụng và gây đau khổ cho những người vô tội. Kẻ gây tội lỗi năm xưa, từ một kẻ hèn nhát chỉ biết trốn chạy sự thật, càng ngày lại càng trưởng thành, mạnh mẽ hơn lên, dũng cảm đối diện với quá khứ, nỗ lực không ngừng để chuộc lỗi, để được tha thứ, bởi nạn nhân của anh và bởi chính bản thân anh. Hai con người, khởi đầu là hai kẻ ở hai đầu đối lập nạn nhân-hung thủ, từ từ, lại tiến gần tới nhau, tự soi thấy mình trong đối phương, hiểu rõ nhau hơn. Kết cục là, một sự tha thứ đến thật nhẹ nhàng, đầy bất ngờ và thanh thản.
Điểm ấn tượng của Ma vương, đẳng cấp cao hơn hẳn của “Ma vương” với những kẻ giết người thông thường khác, cái mà tôi nghĩ vì đó nhân vật luật sư được gọi là “Ma vương”, không chỉ bởi vì câu chuyện thần thoại về thiên thần Lucifer mắc tội mà sa chân vào địa ngục, mà chính là trí thông minh đáng ngạc nhiên của anh. Nếu trong quân ngũ, anh sẽ là một thiên tài quân sự. Thậm chí không hề nói quá nếu sánh anh với một Gia Cát Lượng thời hiện đại. Đôi khi, tôi thấy anh độc ác, đáng sợ hơn cả những kẻ mang thù hận thông thường. Anh không trực tiếp nhắm vào người đã gây tội ác cho gia đình anh, mà anh nhắm vào những người xung quanh anh ta, bố, anh trai, bạn bè… Anh muốn kẻ thù nhìn thấy từng người thân thương của hắn bị đưa vào tầm ngấm, từ từ từng người một, từ từ từng bước một, biết rõ vì mình mà họ gặp nguy hiểm, biết rõ kẻ giấu mặt trong bóng tối sẽ ra tay, nhưng vẫn không thể ngăn cản dù chỉ một lần. Anh muốn đưa ra từng chút một những vật chứng của tội ác năm xưa, anh muốn từ từ khơi lên vết thương và mặc cảm tội lỗi đang nằm yên dưới nhiều lớp ký ức, anh muốn kẻ thù của anh phải giãy giụa trong đau đớn, bất lực và hối tiếc. Tôi từng nhìn ánh mắt lạnh như băng của luật sư Oh Seung Ha (phiên bản Hàn) mà bất giác cũng nổi gai ốc đầy người. Đó quả xứng là ánh mắt của một ma vương tàn nhẫn.
Kế hoạch báo thù của luật sư Oh Seung Ha/ Naruse Ryo là một kế hoạch cực kỳ tỉ mỉ và công phu, nung nấu trong một thời gian khá dài và được chuẩn bị vô cùng kín kẽ. Nó hoàn hảo đến nỗi không để lại bất cứ bằng chứng gì của người đứng sau giật dây, không-một-chút-gì. Người ta nói tội ác nào dù tỉ mỉ đến đâu cũng có chỗ hở, cũng để lại dấu vết. Nhưng ở đây, nó hoàn hảo, cực kỳ hoàn hảo không chút tì vết. Kẻ chủ mưu, hay thậm chí đồng sự của anh ta, không bao giờ ra tay giết người, cũng không bao giờ trực tiếp xúi giục, dụ dỗ, hay thuê mướn bất cứ ai. Và bởi thế, không để lại dấu vết, hay nói đúng hơn là không có dấu vết gì có thể buộc tội được. Việc duy nhất anh ta làm là gửi thư và bưu phẩm, cái duy nhất anh ta giật dây là bố trí những tình huống và hoàn cảnh tưởng như vô cùng tình cờ, thứ duy nhất anh ta lợi dụng là tâm lý, tình cảm của con người, hận thù, hờn ghen, tham lam, ích kỷ tự chính bản thân họ. Và kết quả, thật kỳ diệu, hoàn toàn là điều mà kẻ chủ mưu nhắm tới ban đầu. Nói Oh Seung Ha/ Naruse Ryo giết người là không đúng. Những con người đó, họ đã tự giết nhau, không phải vì ai khác mà vì chính bản thân họ.
Tôi suy nghĩ về điều này. Nếu ban đầu người ta không gây tổn thương cho nhau, thì làm gì có những sai lầm và tổn thương tiếp nối. Nếu trong vụ án thứ nhất, ông luật sư già không gây ra một bản án oan nghiệt trong quá khứ thì làm gì có một kẻ nung nấu bất bình để Oh Seung Ha/ Naruse Ryo lợi dụng gây ra án mạng? Nếu kẻ cho vay nặng lãi không đe dọa người mẹ đáng thương thì chị đâu bị những sắp xếp khéo léo của kẻ chủ mưu đánh lừa lầm tưởng con gái mình đang ở trong tay anh ta, và cuối cùng đâu xảy ra một vụ ngộ sát thương tâm? Nếu Na Suk Jin/ Kasai Hitoshi không ngoại tình với chị dâu bạn mình, nếu Kim Sun Ki/ Soda Mitsuru nghĩ đến tình bạn mà không quá tham lam, anh trai của Oh Seung Ha/ Serizawa Naoto không vì ghen tuông đến mất cả lý trí, nếu biết mở lòng, dũng cảm, và vị tha hơn một chút, thì họ đã chẳng nghi kị và hãm hại lẫn nhau rồi tất cả cùng kết thúc trong bi kịch. Nói cho cùng, sân khấu cuộc đời mỗi nhân vật trong Ma vương đều là do chính họ thủ diễn, luật sư Oh Seung Ha/ Naruse Ryo chỉ là người tạo phông màn, đưa họ ra ánh đèn màu mà thôi. Xét cho cùng, Ma Vương, đâu phải là đao phủ.
3. Cách dựng phim
Với một cốt truyện tuyệt vời như thế thì để dựng thành một bộ phim hay, vừa dễ lại vừa khó. Khi bản thân câu chuyện đã không ngừng ấn tượng người xem, thì cách dựng phim có khiếm khuyết một chút, có một ít “sạn”, thì người ta vẫn có thể vui vẻ bỏ qua và đón nhận những cái hay khác. Nhưng, nếu muốn bổ khuyết cho nội dung phim, khiến phim hoàn hảo không trùng lặp với bất kỳ phim khác thì cũng khó vô cùng. Vì không thể sửa chữa bất kì chi tiết nào của cốt truyện mà không làm mất đi tính cân bằng và kết cấu chặt chẽ của nó, cái duy nhất có thể thay đổi là cách dựng phim, cách xuất hiện các tình tiết, cách để cho nhân vật phản ứng.
Theo nhận xét cá nhân tôi thì hai phim có hệ thống các tình tiết rất giống nhau. Những đoạn chủ chốt (hoàn cảnh anh cảnh sát nhớ ra vụ án năm xưa, lần đầu tiên anh luật sư bị lộ chân tướng bởi gã phóng viên tham lam, người chị mù phát hiện ra đứa em trai không phải ruột thịt của mình…) đến cả những chi tiết nhỏ (cuộc nói chuyện của anh luật sư và cha anh cảnh sát, những điều anh cảnh sát nói để khuyên giải anh trai mình đầu thú…). Dù bạn thích bản nào thì khi xem, cũng không bao giờ có chuyện bị “dội” vì cái mình đang xem ngược hoàn toàn với cái mình từng yêu thích, ngược lại có khi, xem mà như thấy lại cái “thần” của bộ phim, xem mà như nhìn thấu thêm nhiều khía cạnh khác của câu chuyện và nhân vật ấy.
Điều khác nhau cơ bản của bản Hàn và bản Nhật, đó chính là chiều dài các tình tiết. Theo kinh nghiệm xem phim Nhật của bản thân tôi, có lẽ nếu bạn bắt đầu với Maou thì khi xem Devil, bạn sẽ cảm thấy nó quá lộn xộn ở đoạn đầu và dài dòng ở những tập sau ^^. Nhưng nếu xem Devil rồi mới “làm việc” với Maou (như thực tế của tôi) thì cảm giác đầu tiên sẽ là “hẫng” khi các tình tiết xảy ra quá vội, các vụ án quá mau được sáng tỏ, nhiều khi nghẹt thở vì số nhân vật xuất hiện quá nhiều nhưng lại không được khắc họa rõ nét, đến nỗi tôi chưa kịp nhớ tên và cũng chưa kịp hiểu tính cách (như nhân vật người bạn mà nhóm Naoto hay bắt nạt khi xưa, mẹ của bé Sora, hay cô gái đồng nghiệp của Naoto…). Thử phân tích xem vì sao tôi lại có ấn tượng như thế?
Trong bản Hàn, 4 tập đầu tiên là 4 tập có vai trò giới thiệu nhân vật, gợi trí tò mò và đánh thức các giác quan của người xem. Thế nên 4 tập này thực sự rất khó xem, bởi các tình tiết liên tục được thêm vào, xen kẽ nhau, tưởng chừng như chẳng ăn nhập với nhau (nhưng sau này ta sẽ phát giác ra chúng móc nối với nhau, tình tiết này giải thích hay bổ sung cho tình tiết kia cực kỳ chặt chẽ). Nhân vật thì xuất hiện hết người này tới người khác, các mối quan hệ được lần lượt giới thiệu, nhưng rời rạc và không đồng đều. Có những nhân vật xuất hiện ngay từ đầu (người bạn nhút nhát năm xưa bị bắt nạt) nhưng không được nói rõ vai trò. Có những nhân vật xuất hiện qua hình ảnh nhìn thấy được của cô gái bói toán Seo Hae In (cô bé Sora và con gấu bông), nhưng dường như chẳng có ý nghĩa gì trong việc trợ giúp điều tra (dù sau này mọi người biết ra đó chính là hình ảnh những bước chuẩn bị của hung thủ cho vụ án thứ 2). Có những nhân vật khá quan trọng nhưng mãi sau mới xuất hiện (người bạn làm nghề cho vay nặng lãi của Oh Soo). Tất cả những điều đó khiến người xem cảm thấy hơi mệt khi không thể nắm bắt được mạch phim, không thể nhớ kịp các tình tiết. Nhưng từ tập 4 trở đi, nhịp phim chậm lại, khi động cơ gây án được hé mở, những diễn biến tâm lý và tình cảm, tính cách nhân vật được khắc họa sâu hơn. Những tập này là lúc giải thích cho một số chi tiết được đưa ra mà bỏ lửng ở phần trước, cũng như mở ra những sự kiện mới một cách từ tốn hơn, dựa trên ánh sáng của những điều vừa khám phá. Kết cấu này khiến cho phim hấp dẫn hơn, kích thích trí tò mò của khán giả, và làm các chi tiết trở nên mạch lạc vô cùng. Nói thật, chính cách dựng phim này đã khiến tôi nhiều lần vỗ đùi đánh đét vì khâm phục khi thấy các chi tiết ngỡ lộn xộn bị bỏ quên ở những tập đầu nay đã được gắn vào mạch phim chính một cách kỳ diệu.
Đối với bản Nhật, kết cấu có khác đi một tí. Tập đầu cũng là giới thiệu nhận vật và các chi tiết lien quan của vụ án. Nhưng nó dễ xem hơn vì các chi tiết hiện ra có thứ tự, theo tiến trình điều tra, theo kiểu trước khi án mạng xảy ra, phát hiện hiện trường, manh mối và các nghi phạm liên quan lần lượt xuất hiện. Xem hết một tập, ta có thể biết được động cơ, cách thức gây án và hung thủ. Sau đó, từng tình tiết nhỏ được thêm vào để hé lộ sự tồn tại của kẻ chủ mưu và cách thức hắn hành động. Cách kết cấu này tuy khiến phim gọn gàng, dễ theo dõi, nhưng lại kém đi phần hấp dẫn, bất ngờ. Tâm lý nhân vật cũng từng bước được khắc họa, và ngày một định hình từng mặt khác nhau của tính cách (luật sư Naruse bề ngoài hiền lành nhưng đôi lúc mắt đầy lửa thù hận, cảnh sát Serizawa năng nổ với công việc nhưng nóng nảy và quá hấp tấp..). Cách làm này khiến ta như sống cùng với nhân vật, nhìn thấy biến đổi về tâm lý của nhân vật, cảm thấy gần gũi và dễ đồng cảm với họ hơn.
Một điểm nữa là cách xây dựng nhân vật Naruse. Cái này tôi không cho là có gì vô lý, nhưng theo cá nhân thì bản Hàn tạo được một Oh Seung Ha ấn tượng hơn, gần với “Ma Vương” hơn bản Nhật. Trong suốt những tập đầu phim, những sự việc xảy ra quanh OSH như tách bạch hẳn ra những vụ án mạng. Hằng ngày anh xách cặp tới văn phòng, đến tòa án, hoàn toàn không có chút dấu hiệu gì là có dính líu tới những sự kiện chính của phim. Nhà làm phim cố ý giấu đi cái sự thật anh chính là kẻ đạo diễn tất cả. Nếu không đọc trước nội dung, có lẽ ta sẽ thắc mắc cái anh chàng thỉnh thoảng đi qua đi lại suốt phim này có dây mơ rễ má gì với mấy vụ giết người kia. Còn Naruse của bản Nhật, ngay từ đầu, khi anh đặt hoa xuống chỗ ngày xưa anh trai mình hấp hối, người xem đã đoán ra có sự “báo thù” chi đây. Và sự xuất hiện của Naruse ở hiện trường án mạng, có thực sự cần thiết không, lỡ có người nhìn thấy thì anh làm sao giải thích lý do mình có mặt tại thời điểm đó? Trong khi OSH là người có lý trí vô cùng sắt đá, anh không bao giờ có những hành động thừa trong kế hoạch của mình. Càng về sau anh càng dằn vặt, càng đau khổ và mâu thuẫn hơn, nhưng lúc này đây, anh cực kỳ tỉnh táo. Tỉnh táo đến nỗi sẽ chẳng bao giờ đến những nơi mình được cho là không thể đến, tỉnh táo đến nỗi luôn có một lời giải thích hợp lý cho bất cứ tình huống ngoài ý muốn nào xảy ra. Thêm một điều nữa là sự thù hận của OSH với KOS là rất sâu sắc. Thù hận nó đã ăn sâu vào máu thịt anh, anh sống với nó như sống với khí trời, như thức ăn nước uống, có lẽ không cần một căn phòng treo đầy ảnh của những “mục tiêu” để tự nhắc mình đừng do dự mà tiêu diệt kẻ thù (chưa kể trường hợp nếu một ngày có người khác bước vào căn phòng, đó có thể sẽ là bằng chứng buộc tội hay ít ra là mối đe dọa bại lộ thân phận thật sự). OSH là “Ma Vương”, anh hiếm khi đích thân hành động. Thường là anh giao nhiệm vụ đó cho người đồng phạm thực thi. Nhiệm vụ của người này trong bản Hàn rất rõ ràng, là kẻ trung gian hiện thực hóa những kế hoạch trong đầu OSH. Ở bản Nhật, vì Naruse đã tự làm hầu hết các bước (điện thoại nặc danh, gửi thư và bài Taro..) nên vai trò của anh ta khá mờ nhạt.
Tóm lại, cách dựng phim của bản Nhật so với Hàn, nói dở thì không hẳn, vì cũng rất hiếm khi tìm thấy điểm vô lý của các tình tiết, nhưng nếu nói hay thì chưa phải, vì nó không quá bất ngờ, kịch tính, nhân vật không được xây dựng bản lĩnh và độc đáo bằng, cảm giác cũng chỉ là kẻ dùng trí thông mình để lợi dụng người khác giết người như một số phim trinh thám hình sự khác thôi, chưa đạt tới vị thế của một “Ma Vương” đầy quyền lực.
4. Nhân vật và diễn xuất:
Nhân vật luật sư:
Oh Seung Ha với tôi là một kẻ có bề ngoài hòa nhã, lịch thiệp, luôn bình tĩnh và kiệm lời. Anh không hẳn là ấm áp, dễ mến như luật sư “thiên thần” Naruse, mà anh lạnh lùng và cô độc. Khi anh cười với bé Sora, khi anh kể chuyện cho lũ trẻ, khi anh song song bước cùng Seo Hae In, anh luôn cố gắng che giấu bản thân mình. OSH không toát lên cái vẻ tử tế dịu dàng đập vào mắt như Naruse (cũng có thể là do gương mặt Ohno Satoshi nhìn phúc hậu hơn chăng ^^), thế nên khoảng cách giữa hai con người bên ngoài và bên trong của anh có lẽ gần nhau hơn. Anh cũng không phải là người nói nhiều về bản thân mình, cho dù là với cô gái anh yêu. Có chăng chỉ là những lời bóng gió bâng quơ về những chuyện chẳng liên quan (như câu chuyện cổ tích về hai anh em và cái hang tối, hay sự thú vị của hai từ live và evil). Trong khi đó, Naruse có lần đã bày tỏ một số sở thích và mong ước của anh với Shiori. Điều này không phải là không được, nhưng với tôi một con người đã muốn khép kín thì sẽ không thổ lộ bất cứ điều gì, nhất là với người con gái trong sáng đến thế, nhất là trong suy nghĩ vẫn cho rằng “mình không xứng đáng được yêu".
Joo Ji Hoon và Ohno đều diễn tốt vai này. Nhưng tôi thích cái “lạnh” của JJH hơn. Ánh mắt sắc như dao, gương mặt lạnh tanh không cảm xúc, khóe miệng hơi cong lên thành một nụ cười dang dở. Đúng là khí chất của Ma Vương đây rồi ! Những đoạn chuyển biến tâm trạng, những khi anh khóc như một đứa trẻ bên ngoài nhà thờ, chút bối rối trên gương mặt khi nghe Seo Hae In nói đúng tâm trạng mình… tất cả đều được bộc lộ rất tinh tế trong một đoạn diễn ngắn.
Nhân vật cảnh sát:
H
Kang Oh Soo là tuýp người nhiều năng lượng ^^, có trách nhiệm với công việc và hơi nóng tính. Nhưng anh không bốc đồng. Trừ khi đang đứng trước người bạn hấp hối của mình, điên cuồng nỗ lực trong tuyệt vọng để cứu bạn, còn những lúc khác, anh là người chín chắn, có suy nghĩ, dù cho hành động liều lĩnh nhưng cũng rất biết điểm dừng. Còn Serizawa. Khi lần đầu xem tập 1, nhận xét đầu tiên của tôi là anh chàng này làm việc quá bất cẩn và hấp tấp, làm sao có thể làm một cảnh sát tốt? Nhất là cái đoạn đầu tiên, anh ta vì điều tra đã xem nhẹ tính mạng người khác. Tôi không hiểu thêm chi tiết này vào để làm gì, chẳng lẽ để thể hiện phong cách bắt cướp của Serizawa? “La hét” vốn là món tủ của phim Hàn, thế nhưng khi xem Maou, tôi lại thấy Toma “trưng dụng” hơi nhiều, càng làm khắc họa sâu tính cách bốc đồng và nóng nảy một cách vô lý của nhân vật.
Những cảnh nội tâm, cả Uhm Tae Wung và Toma đều diễn khá tốt. Tuy nhiên, trong một phân đoạn phim sau cái chết của người bạn thứ 2 Sun Ki/ Soda, tôi thật sự khâm phục diễn xuất của UTW. Oh Soo lúc đó vô cùng kích động, giận dữ như muốn xé tan OSH ra từng mảnh. Nhưng ngay sau đó, khi lý trí đã trở lại, trong mắt anh vẫn còn sự giận dữ, nhưng là giận dữ chính bản thân mình, thù ghét chính bản thân mình. Anh gào lên những lời thống thiết tận đáy lòng, cầu xin đừng tiếp tục hại những người thân của anh, gào lên trong cơn giãy giụa muốn được “sống”. Ánh mắt UTW lúc đó, thực sự đã thể hiện rất đạt tâm trạng một người đang tuyệt vọng, đang mâu thuẫn và đau đớn, cái hét của anh là một cái hét “đúng chỗ”, nó phù hợp với tình huống và tâm trạng nhân vật.
Nhân vật nữ chính:
Nếu Seo Hae In mang đến ấn tượng dịu dàng, nhẹ nhàng mà trầm lắng, thì Shiori lại đem lại cảm giác hồn nhiên, trong sáng và sống động. Ban đầu tôi cho rằng Shiori trông hơi trẻ con so với Naruse, nhưng nghĩ lại chính nét trẻ con đó là đặc điểm khiến cô luôn mang lại sự yêu đời và hy vọng cho hai con người đang lạc lối. SHI kiệm lời hơn, nhưng mỗi khi cô nói, đều là nói lên được tâm trạng của người đối diện, những câu nói thẳng thắn đến nỗi như nhìn thấu trái tim người khác. Có lẽ, SHI dịu dàng để xứng với OSH khép kín, Shiori trong sáng mới hợp đôi cùng Naruse “thiên thần”.
Trong Devil, tôi thích nhất đoạn HI đến tìm SH, cô đến để tìm cách ngăn anh tiếp tục việc giết người, đến để tháo đi lớp mặt nạ anh đang phải khổ sở mang, cô vừa khóc vừa nói: “Em thật không thể chịu nổi khi biết anh không hạnh phúc”, một câu nói đó thôi lại khiến tôi cảm động biết chừng nào, chẳng cần những lời yêu sáo rỗng. Hae In trầm lắng nhưng hiểu thấu con người, nhạy cảm và sâu sắc, mỗi câu nói của cô đều chứa đựng sự chân thành làm người ta không sao từ chối được. Còn ở Maou, Shiori lại khiến tôi suy nghĩ nhiều khi cô bảo với Naoto “Thật tàn nhẫn phải không? Phải sống mà không thể không gây ra sai lầm. Cuộc sống đó quả thật rất đau khổ. Nhưng cũng chính vì quá khứ như thế nên anh mới trở thành một cảnh sát như bây giờ. Anh cũng đã chịu đựng đủ rồi”. Câu nói đơn giản mà khiến người ta có thêm chỗ dựa. Như khi đang đau đớn trong ân hận, sẽ thật an ủi khi có ai đó nói “đó không phải là lỗi của anh”. Như khi đang tự trách bản thân, sẽ thật ấm áp khi nghe ai đó bảo “anh cũng đau khổ mà”. Shiori ngây thơ nhưng chính sự ngây thơ đó khiến cô nhìn ra được bản chất tốt đẹp của người khác.
Các nhân vật khác:
-Cha của Kang Oh Soo/ Serizawa Naoto: ngài nghị sĩ Kang/ chính trị gia Serizawa: ở bản Hàn, ngài nghị sĩ khiến tôi có cảm nhận sâu sắc về sự lý trí của ông. Đó là một con người trầm tĩnh, dù có xảy ra chuyện lớn tới đâu cũng không để lộ thậm chí một cái chau mày hoang mang, thay vào đó ông lập tức tìm biện pháp giải quyết. Đó là cái lạnh của một con người tham vọng, độc đoán và sắc bén. Chính vì lẽ đó, ông không hiểu có những chuyện không thể dùng cái gọi là “giải pháp tối ưu” để giải quyết (vụ án của con trai ông, gã phóng viên tìm đến tống tiền). Chính vì lẽ đó, ông trở thành một người cha không biết cách thương con, vô tình đẩy các con mình vào bi kịch. Dù vậy, dù không bao giờ quan tâm đến tình cảm của con cái, nhưng tình thương nơi ông là có thực. Ông bảo Oh Soo thỉnh thoảng về nhà ăn cơm, ông dặn dò Hee Soo (anh trai Oh Soo) tìm hiểu em trai, vì ông để ý thấy đang có gì xảy ra với Oh Soo. Khi biết các vụ án xảy ra có liên quan đến án mạng 12 năm trươc, ông bảo Oh Soo hãy bỏ việc. Tuy giọng điệu ông nghiêm khắc và độc đoán, nhưng tôi thấy sự lo lắng của ông, thấy ông không muốn con mình đau khổ khi tiếp tục theo đuổi việc điều tra. Ông có đủ quyền lực để cản trở và ngăn cấm Oh Soo theo nghiệp cảnh sát không? Có chứ. Nhưng ông không thử làm gì cả, ông để anh đi trên con đường riêng của mình. Đó là những thứ mà nếu chỉ nhìn bề ngoài lạnh lùng, sắt đá, ta không thể nhìn thấy.
Ở bản Nhật, nhân vật này được xây dựng kém hơn một bậc. Ông ta là một chính trị gia cả đời lăn lộn trên chính trường, nhưng lại quá dễ bị tác động, sự hoang mang phát ra lồ lộ khi nghe tin luật sư Kumada đã chết. Thêm nữa, ông ta lại là người khá võ đoán, chỉ nhìn thấy người quét dọn ở trong văn phòng mình đang cầm ví tiền mà đã quy kết ngay chị ta ăn cắp. Một người từng trải, nhìn thấy nhiều mặt của xã hội sẽ không có cái nhìn thiển cận đến vậy đâu. Còn một chi tiết mà tôi không sao chấp nhận được. Đó là ở tập 1, khi ông giở những lời chọc khoáy, mỉa mai tầm thường, chẳng có mục đích và tác dụng gì ngoài việc chọc giận thằng con, khiến không khí tự nhiên căng thẳng. Mà dùng cái gì để khiêu khích? Dùng quá khứ mà con mình từng bị đau, từng bị ám ảnh sâu sắc, khơi lại vết thương lòng của nó. Đó là việc làm của một người cha thương con hay sao? Dù có không biết cách yêu thương cách mấy, đó chỉ là những điều rất đơn giản, lẽ nào ông không biết? Tôi từng nhìn gương mặt buồn của Serizawa khi nói với luật sư Naruse “nó không hẳn lúc nào cũng bảo vệ tôi”, tôi thấy sự yếu đuối trong con người ông, sự đau lòng khi con trai ngày càng xa mình. Nhưng trong Devil, nghị sĩ Kang luôn là người bảo vệ Oh Soo, và thực tế là ông chưa bao giờ cần bất cứ ai bảo vệ, bởi con người ông là một sự tự tin tuyệt đối. Nói chung, Serizawa là một người thiếu bản lĩnh, một người cha yêu con chưa đủ.
-Anh trai Kang Oh Soo/ Serizawa Naoto: Kang Hee Soo/ Serizawa Noriyoshi: ấn tượng ban đầu thì ai cũng sẽ thấy đây là một con người hiền lành, nhũn nhặn và chân thật. Ngay cả Hae In/ Shiori chỉ nhìn thấy gương mặt anh qua những dư ảnh mà cũng phải nói anh trông như một người tốt. Bởi vậy, khi nhìn thấy anh có thể vì ghen tuông mà trở nên tàn nhẫn đến thế nào, tôi thấy tiếc cho anh. KHS ở bản Hàn cho thấy một con người cặm cụi với công việc, luôn nhẫn nhịn cha, và yêu thương em trai hết lòng, thậm chí dù biết cha mình ngoài mặt vẫn hay nghi kị, coi thường, nhưng thực ra vẫn kỳ vọng nhiều ở OS hơn là mình, anh không đố kị mà chỉ chấp nhận nó. Còn Noriyoshi ở bản Nhật cũng cho thấy một con người nhẫn nhịn nhưng đồng thời ta vẫn cảm nhận được một sự phản kháng nơi anh. Đoạn gần cuối phim khi KSH/Noriyoshi nói với cha việc sẽ không ly dị vợ, ánh mắt của Hee Soo là ánh mắt chấp nhận sự thật, ngao ngán vì cha mình chỉ biết nhìn thấy sự giữ thể diện cho gia đình trong cách làm của mình, mà không nhìn thấy tình cảm muốn hàn gắn của anh đối với cuộc hôn nhân này. Anh trách cứ cha một cách bình thản, như thể đó đã là bản chất không thay đổi được của ông, như thể muốn nói anh đã mệt rồi, cha muốn giữ thể diện hay làm gì thì anh cũng mặc kệ. Câu nói đầy cay đắng “con càng ngày càng giống cha”, tuy đơn giản, không tỏ thái độ bất bình hay đay nghiến gì, nhưng người cha nghe thấy mà còn hơn phải nghe ngàn lời oán trách. Noriyoshi, cũng trong một đoạn đó, ta thấy sự tức giận của anh, sự đè nén lâu ngày cho những lời nói uất ức. Ánh mắt anh lúc đó, là ánh mặt người con bị chính cha mình làm tổn thương, buồn bã và giận dữ, giận cho mình, cho mẹ, cho em trai. Ánh mắt khiến cha anh phải sững sờ… Nói chung 2 diễn viên của Hàn và Nhật chọn 2 cách thể hiện tâm trạng rất khác nhau, nhưng đều hợp lý và hiệu quả.
-Những người bạn:
+ Dae Shik/ Yosuke: là nhân vật phụ nên cũng không xuất hiện nhiều, nhưng Yosuke của Nhật nhìn hiền hơn, trông không giống một tay cho vay nặng lãi, tính tình bỗ bã và nóng nảy cho lắm. Dae Shik của bản Hàn đầu gấu, ăn nói thẳng thừng, thô lỗ nhưng nụ cười thì rất trong sáng.
+Sun Ki/ Souda: gã Sun Ki của bản Hàn có nét rất đểu cáng, nhìn một cái là thấy rõ bản chất tham lam, thích trục lợi, hèn nhát và ngu ngốc. Còn Souda thì nhìn thấy sự lưu manh, rất ưa đâm bị thóc chọc bị gạo vào chuyện người khác, cũng hèn nhát và ngu ngốc.
+Suk Jin/ Kasai: nếu nhìn Suk Jin ta có thể thấy anh là một công chức mẫn cán, trưởng thành, có trách nhiệm và dễ bảo, thì Kasai chỉ như một chú nhóc mặt mũi non choẹt lần đầu bước chân vào công ty, còn ngây thơ chưa nếm qua mùi đời. Suk Jin đặt cạnh cô chị dâu thấy hợp, vì cô nàng trẻ trung xinh đẹp, mặt còn thoáng nét ngây thơ, nhưng Kasai cùng với Mari-san thì cứ như hai chị em, vì Mari-san nhìn sắc sảo quá. Kasai chỉ cho tôi cảm nhận là một kẻ yếu đuối, si tình, sống chết bảo vệ người yêu mà thôi (mà sau khi được thả anh ta vẫn tiếp tục quan hệ với Mari-san mới ghê chứ, chẳng biết tình bạn vứt đi đâu). Còn trong mắt Suk Jin khi anh đau khổ nói xin lỗi với Oh Soo mà hoàn toàn không thể tìm cách tự chứng minh mình vô tội, tôi thấy ngoài tình yêu, còn có tình bạn dành cho Oh Soo. Anh có lỗi với Oh Soo, anh không muốn làm Oh Soo đau lòng và thất vọng vì anh, anh không muốn tình bạn giữa họ tan nát, vậy mọi tội lỗi anh xin gánh chịu một mình. Đó là những gì tôi đọc thấy trong mắt Na Suk Jin, cũng là điểm mà tôi ấn tượng nhất ở con người này.
Hình này đã được thu nhỏ. Click vào thanh này để xem hình gốc. Kích thước hình là 550x180.
-Người chị mù lòa: cả 2 cô gái đóng vai này đều thể hiện được hình ảnh một người con gái thánh thiện như thiên thần, hiền lành, mong manh, chịu nhiều đau khổ, nhưng tấm lòng vị tha và nhân hậu, cũng một niềm tin tuyệt đối vào người được gọi bằng tên đứa em ruột của mình. Tuy chỉ xuất hiện một đoạn rất ngắn, nhưng nhân vật này (cả 2 bản) đều đã khiến tôi phải khóc vì cô.
-Lão phóng viên: nhân vật này cũng là một nhân vật mà bản Hàn xây dựng thành công. Ở hắn, đó là con người tham vọng, ích kỷ, khá xảo quyệt và ứng phó giỏi. Nụ cười nhếch mép đặc trưng thể hiện một sự tự tin vào khả năng của mình. Và gã chết cũng chính vì quá tự tin, không biết tự lượng sức mình. Còn trong Maou, nhân vật này tuy xảo quyệt nhưng không khôn ngoan, làm nhiều chuyện dư thừa để khiêu khích đối phương (đe dọa bằng cách đến gặp chị của Ryo chẳng hạn). Khác với trong bản Hàn, vụ án năm xưa viết bài báo bóp méo câu chuyện là do bị lợi dụng, trong bản Nhật lão phóng viên nhận tiền của ông Serizawa mà xuyên tạc sự thật. Đây là nhân vật trong phim mà khi lão bị giết tôi có thể thốt lên hai tiếng “đáng đời” (riêng ở bản Nhật thì còn thấy chút hả hê)
-Người cảnh sát già, sếp của Oh Soo/ Naoto: ở bản Hàn, ông sếp này rất nghiêm khắc. Ông làm việc rất lý trí, công tư phân minh, dẫu thương Oh Soo cách mấy nhưng công việc là công việc, chẳng bao giờ dùng cảm tính để phá án. Nhưng chính vì lẽ đó, ông chính là người đã vực dậy một Oh Soo hoàn toàn mất phương hướng và tuyệt vọng, nhắc nhở anh về trách nhiệm của một cảnh sát, khích lệ anh tiếp tục chiến đấu để có thể nhận được sự tha thứ, nhìn nhận con người anh với tất cả ưu điểm và khuyết điểm, thậm chí tội lỗi của anh. Ông như người thầy, người anh lớn luôn chỉ ra con đường đúng đắn cho Oh Soo. Ở bản Nhật, vị cảnh sát này tình cảm hơn. Ông vẫn nhận định khi làm việc không được để cảm xúc lấn át lý trí, nhưng ông cũng cảm thông và an ủi Naoto rất nhiều. Ông không là người khiến anh trở lại với cương vị của mình, nhưng là người khẳng định niềm tin trong Naoto, khẳng định tình cảm của mọi người dành cho Naoto. Đó là vị cấp trên nhưng cũng là người cha hiền từ của anh, người muốn cùng anh sát cánh đến giây phút cuối cùng. Hai nhân vật, được thể hiện qua hai cách khác nhau, một cứng rắn, một mềm mỏng, nhưng đều hay và chân thật.
-Người bạn bị bắt nạt/ đồng phạm của anh luật sư: bản Hàn ấn tượng hơn ! Cái cách anh ta nói lắp, cái cách anh ta trợn mắt, cái tướng đi lom khom như chỉ biết lủi về phía trước, nụ cười ma quỷ khi khoái trá nhìn Oh Soo bị quay mòng mòng một cách khổ sở. Anh ta trông thì có vẻ hiền lành, nhút nhát, nhưng thực ra lại là kẻ tâm lý bất ổn, thù hận đến bệnh hoạn. Cuối cùng, khi anh ta dù được Seung Ha khuyên bảo nhưng vẫn không chịu bỏ cuộc, khăng khăng phải trả thù đến cùng, không hiểu sao lại làm tôi thương hại nhiều hơn là tức giận. Một con người, vì hận thù mà có thể thay đổi đến thế. Anh ta cũng là một trong những nỗi đau của Seung Ha, vì trước khi SH đến tìm, anh là một người có cuộc sống bình thường với ước mơ cũng bình thường. Sau tất cả mọi chuyện SH sẽ lại thêm tự trách mình vì đã khiến một người bạn hiền lành trở nên đáng sợ. Còn Yamano, vai trò của gã rất mờ nhạt, xuất hiện đã không nhiều, nhưng chẳng để lại bao nhiêu ấn tượng. Mà như thể, ngay từ đầu, gã đã là người mang đầy thù hận. Mối quan hệ giữa Yamano và Naruse là mối quan hệ sai khiến-tuân lệnh, ngược lại bản Hàn, vốn là hợp tác, đồng sự, thêm vào người bạn đó mang mặc cảm đã phản bội anh trai Seung Ha nên anh ta luôn cố gắng hoàn tất tốt mọi công việc mà thôi. Rồi rút cuộc, gã Yamano này lại làm một cái việc mà năm 16 tuổi anh trai Naruse ngăn gã không làm, đó là giết người. Thật là kịch tính được thêm vào một cách không cần thiết.
>>>Tóm lại, ở bản Hàn, các nhân vật hài hòa tuyệt đối trong mối quan hệ của mình với những người khác, tính cách được thể hiện một cách tiết chế tối đa, sống động và vô cùng đặc sắc. Bản Nhật đôi khi có hướng đi riêng, nhưng không thể phủ nhận một số nhân vật không độc đáo bằng.
5. Cái kết của phim:
“Mọi việc bắt đầu từ đâu, sẽ quay trở lại chỗ đó.”
Lá bài cuối được gửi cho Oh Soo/ Naoto là bánh xe luân hồi. Bộ phim kết thúc ở nơi mà nó mở đầu. Một kết thúc hay. Cuối cùng, hai người thù hận nhau, đuổi bắt nhau suốt cuộc đời lại cùng ngồi tựa vào nhau như hai người anh em, yên bình và thanh thản. Thực ra có lẽ, từ lâu rồi, dần dần từng chút một, Seung Ha/ Ryo đã không còn hận Oh Soo/ Naoto nữa. Những khi hai người uống rượu với nhau, ánh mắt anh đã không còn giận dữ, căm ghét. Không biết tại sao, Oh Soo/ Naoto lại dễ dàng thổ lộ với Seung Ha/ Ryo những điều không thể nói với người khác, còn Oh Seung Ha/ Ryo thì từ lâu đã không có một người bạn tin tưởng và ngồi bên mình như thế này. Oh Soo/ Naoto là nguyên nhân khiến anh mất hết tất cả, nhưng cũng là người đầu tiên mang lại cho anh cảm giác tình thân. Tôi nhìn thấy Seung Ha/ Ryo ngỡ ngàng chứng kiến phát súng lỡ của mình, chứng kiến Oh Soo/ Naoto từ từ gục xuống, anh bàng hoàng, cuống quit, kêu đến khản cả giọng. Anh đau đớn như khi năm xưa khóc than cho người anh trai bạc mệnh. Bởi vì, trong vô thức, anh đã xem Oh Soo/ Naoto như người anh trai của mình mất rồi. Tôi khóc vì chỉ đến lúc cuối cùng, họ mới nhận ra yêu thương dành cho đối phương trong tim mình. Nhận ra, và đau nhói.
“Tôi…tha thứ…cho anh….và cho tôi…”
Là hai thiên thần vừa mới ra đi. Nhìn họ, trong sáng như một tờ giấy trắng. Đẹp như một bức tranh. Đẹp đến có thể bật khóc.
Có thể nói cái kết của bản Nhật tàn nhẫn hơn bản Hàn nhiều. Devil để cho kết cục của một số nhân vật là câu hỏi mở (Suk Jin được thả rồi như thế nào, chị dâu Oh Soo sẽ ra sao, người bạn đồng phạm với Seung Ha đi đâu, anh trai Oh Soo sau đó sẽ làm gì, Hae In thì sao…), nhưng Maou tạo ra nhiều cái chết cho đoạn kết của phim. Noriyoshi tự sát, Yamano trở thành kẻ sát nhân, Kasai bị giết… Có cần phải làm cho kết phim bi thương đến vậy không, khi những nỗi đau trong toàn câu chuyện đã là quá nhiều? Bởi vậy, ấn tượng cuối cùng Maou đem lại cho tôi là con đường ngầm không có chút ánh sáng, người em bước vào hang và cả hai anh em cùng mắc kẹt, trong khi đó, ở Devil khi bản nhạc kết thúc cất lên, cái còn vương vấn trong lòng chính là vẻ đẹp của tình yêu và sự tha thứ, là sự kỳ diệu của số phận con người.
-------------------------------------
Cái đoạn cuối trong bản Nhật tớ nghĩ là để nói về số phận của Shiori và những người khác hơn là nói đến sự giải thoát của Naruse và Naoto. Sự giải thoát, chỉ một cảnh hai người ngồi tựa vào nhau trong bóng tối là đã đủ đẹp, đủ thanh thản, đủ để gột rửa mọi thù hận, tội lỗi và khổ đau. Họ đã sống gần nửa đời mình trong bóng tối, chỉ đến lúc này, bóng tối mới trở nên dịu dàng, vỗ về, và bình yên. Họ, những con người sống để đấu tranh với chính số phận của mình, tại chính nơi tối tăm của đời họ, chứ ko phải tìm kiếm sự giải thoát ở một nơi nào khác. Dù có được tha thứ và cảm thông, Lucifer vẫn đâu thể trở lại thiên đàng mà, đúng ko?
---------------------------------
Khâm phục seichan thật sự. Bạn nói đúng từng suy nghĩ của Ijj về hai bộ phim này - những suy nghĩ mà Ijj đã từng định viết ra nhưng chưa bao giờ làm nổi. Đúng là một bộ phim quá hay sẽ khiến người ta khó mà nói thành lời vì không biết phải bắt đầu từ đâu, phải diễn tả như thế nào cho trọn ý. Nhưng bạn đã viết được ra, và viết thật hoàn hảo. Ijj thật sự rất khâm phục bạn.
Ijj là người thích xem phim Hàn từ lâu, khoảng 3 năm trở lại đây mới bắt đầu yêu phim Nhật, cho nên Ijj đã xem Devil trước rồi mới tới Maou. Đúng như seichan đã nói, nếu ai đã trót xem Devil trước thì sẽ thấy Maou hơi ngắn, các tình tiết hơi vội vàng và các vụ án được giải quyết có phần hơi dễ dàng. Nhưng các nhà làm phim Nhật đã không làm người xem Devil trước phải thất vọng khi xem lại Maou với cách dựng phim và kể chuyện hoàn toàn khác, tuy không còn bất ngờ như Devil nữa, nhưng người xem được nhìn câu chuyện từ một góc độ khác, khiến các cung bậc cảm xúc có thể nói là không thua kém Devil là bao.
Ijj cũng đồng ý với seichan là một số tình tiết sáng tạo trong Maou không cần thiết lắm và có vẻ làm giảm đi tính độc đáo của nhân vật gốc. Việc Naruse treo tấm hình các nạn nhân trong căn phòng đỏ, rồi gạch chéo lên từng tấm hình mỗi khi một nạn nhân ra đi, thật ra đã quá quen thuộc trong các phim tội phạm - trinh thám khác, hơn nữa anh còn tự mình làm hầu như mọi việc nên nó tạo cảm giác "Maou" này cũng không khác những kẻ đi báo thù trong các phim khac là mấy, chưa kể những việc đó sẽ để lại dấu vết có thể chứng minh anh là hung thủ. Oh Seung Ha lại không thế, anh rất kín kẽ. Cảm giác như anh như một bức tượng thạch cao đẹp, lạnh, vững chắc và không chút tì vết. Anh là một bộ óc siêu việt, chỉ ngồi một chỗ mà có thể sai khiến người ta hành động theo ý muốn của mình, còn anh chỉ đút tay túi quần, mỉm cười ngạo nghễ và nhìn những-con-rối hành động. Không một ai, không một thứ gì có thể uy hiếp được anh. Và hiển nhiên, OSH đã không phải là một nhân vật làm người ta phải ám ảnh đến thế, nếu bên dưới lớp vỏ thạch cao kia không phải là một tâm hồn đang dằng xé và tranh đấu. Tranh đấu để rồi cuối cùng lớp thạch cao ấy nứt ra, rơi xuống, để anh có thể thành người hoàn toàn. Chỉ tiếc đó là lúc anh không còn thở nữa.
Có quá nhiều điều để nói về hai bộ phim này, nhưng Ijj mạn phép chỉ nói thêm một chút về nhân vật anh bạn đồng phạm của OSH và Naruse. Ijj cho rằng bản Nhật đã đẩy nhân vật này thành "thú tính" và tàn nhẫn hơn bản Hàn quá nhiều. Trong bản Hàn, từ đâu đó trong con người anh Kim (sorry, Ijj không thể nhớ ra tên của anh, chỉ nhớ họ), Ijj nhìn thấy sự ngây thơ và cảm giác có lỗi chân thành đối với người bạn đã vì anh mà chết. Anh không hoàn toàn mất nhân tính, ngay cả khi đến cuối cùng, lúc OSH thuyết phục anh từ bỏ, anh không đồng ý, Ijj cũng cho rằng anh chưa cảm thấy Oh Soo trả giá đủ cho cái chết oan uổng của người bạn duy nhất mà anh có, chứ không phải là vì nỗi căm hận của chính bản thân anh. Cái giọng nói lắp như ngập ngừng ấy, cái ánh mắt hoang mang khi OSH quyết định dừng lại ấy, Ijj không nhìn thấy sự độc địa trong đó, mà thấy sự ngây thơ tin rằng bạn anh xứng đáng và mong muốn được nhìn thấy KOS trả giá nhiều hơn thế. Nhưng nhân vật này trong bản Nhật thì... Ijj rất ghét anh ta. Ijj ghét anh ta từ khi anh ta, ngồi quay lưng với Naruse trên ghế đá bên đường, bật cười và ra vẻ mỉa mai sự ngu ngốc, tham lam của ông nhà báo. Cái cười đó, giọng nói mỉa mai đó tỉnh táo quá, cáo già quá. Gần như xuyên suốt phim, Ijj có cảm giác như anh ta lợi dụng lòng hận thù và trí thông minh của Naruse để trả thù riêng. Anh ta giống như là "mượn gió đẩy thuyền", đứng một bên cổ vũ, khuyến khích, thậm chí là xúi giục Naruse hành động trái với lương tâm đang cắn rứt của anh. Đừng nói anh ta không biết Naruse đang cắn rứt, đang do dự. Anh ta thậm chí còn tự tay thực hiện bước tiếp theo, khi thấy Naruse có vẻ muốn bỏ cuộc rồi. Lẽ ra, lúc đó vì Shiori, Naruse đã có thể dừng lại, nhưng vì có một kẻ đồng phạm như anh ta mà Naruse không còn quay đầu được nữa. Đến cuối cùng, anh ta còn gào lên "chúng phải trả giá cho những gì đã làm với tối", khiến Naruse phải hỏi một câu mà Ijj đã tự hỏi từ lâu "rốt cuộc, cậu đang trả thù cho ai thế?" Không, anh Kim không phải đang trả thù cho mình. Ijj thấy thương hại cho cái sự yếu đuối và nhu nhược của anh trong quá khứ cũng như hiện tại, nhưng người ở bản Nhật, Ijj chỉ thấy là một kẻ bệnh hoạn, tiểu nhân và tàn nhẫn.
Cả Devil và Maou đều là những tác phẩm xuất sắc. Maou đã chọn một lối đi đúng đắn và hợp lý nhất cho mình với tư cách là kẻ sinh sau đẻ muộn - và Ijj rất thích điều này. Nhưng để tìm lại những nhân vật Ijj đã và sẽ mãi khâm phục và đồng cảm sâu sắc, Ijj sẽ chọn Devil hơn là Maou.