Thư gửi em đội trưởng 18 - Chiếc giày đạp lên tương lai

Gần đây anh có xem một bộ phim, nội dung phim cũng bình thường, xem giải trí là chính, nhưng ngay đầu phim có mấy cảnh khiến anh suy nghĩ mãi. Một cầu thủ xuất sắc nhận tiền của một cầu thủ khác để đá hỏng banh ra ngoài cầu môn và đó là lần đá bóng cuối cùng cuả anh ta..


Phim bắt đầu bằng cảnh trong phòng thay đồ, khi cầu thủ kia chịu cúi đầu xuống cho cầu thủ xuất sắc nọ gác chân lên đầu để cột giày. Sau đó chính người này bí mật sắp xếp cho người ta giả làm cổ động viên quá khích, ngay khi người nhận hối lộ đá chệch quả bóng ra ngoài cầu môn thì liền từ khán đài uà xuống sân và đánh anh ta gãy chân. Mấy chục năm sau, người cầu thủ đoạt gianh hiệu “chiếc giày vàng” ngày nào giờ trở thành một người què quặt và không còn có thể đá bóng nữa, còn người đưa hối lộ thì nhanh chóng chiếm danh hiệu đó và trở thành người vô cùng có thế lực trong làng bóng đá. Điều làm cho anh ấn tượng nhất là cảnh người ngày xưa gác giày lên đầu người khác, nay phải cúi đầu để chính người kia gác chân lên cột giày. Cuộc sống vốn nghiệt ngã như thế, và khi em cho rằng mình giỏi hơn người khác, không có nghĩa là em có thể thoát khỏi cái bẫy mà họ giăng ra, nếu không biết nhìn nhận chính xác về bản thân mình thì em dễ dàng chui đầu vào chiếc thòng lọng tự mãn giăng sẵn.

Đoạn phim trên lại khiến anh nhớ đến một câu chuyện anh từng đọc. Một ông chủ tờ báo bỏ rất nhiều tiền chiêu mộ người giỏi cuả toà báo khác sang làm cho mình. Có người hỏi ông ta rằng mang nhiều người giỏi về như vậy, có đủ việc cho người ta làm hay không ? “Không có !” – ông ta liền trả lời - “nhưng thuê những người như vậy về làm cho mình còn hơn để họ làm cho những tờ báo khác. Mỗi tháng trả cho họ lương cao một chút rồi để họ nhàn rỗi, mãn nguyên. Chừng mấy năm không dùng sẽ khiến anh ta sa sút, không còn là người tài nữa. Đến lúc đó loại anh ta đi, ai muốn mời về làm việc thì mời !” Thật đáng sợ khi người ta có thể bỏ ra một số tiền chỉ trong vài năm ngắn ngủi mà mua được cả chí khí cuả một nhân tài, đồng thời vùi chôn nhân tài đó. Việc này ngẫm lại rất giống việc cấu thủ nọ mắc vào chiếc bẫy tự mãn cuả chính mình.

Chuyện này nghĩ rộng ra còn rất nhiều thứ để bàn. Đầu tiên là việc anh thấy các em bỏ rất nhiều thời gian cho các trò chơi trên máy tính, hoặc không thì xem tivi hay đọc truyện tranh. Anh cũng đã từng như thế cách đây nhiều năm. Cứ nghĩ rằng trò chơi mới ra rất hay, không chơi thì sẽ phí. Phim trên tivi hay, bỏ đi sẽ rất tiếc. Truyện tranh mới ra thì phải đọc hết cho bằng bạn bè. và quan trọng là nghĩ rằng mình còn nhiều thời gian, bỏ một chút ra cũng chẳng hại gì. Nhưng các em ạ, trên thế gian này có biết bao nhiêu là cám dỗ giống như vậy. Trò chơi này chưa chơi xong thì đã có thêm trò mới, phim chưa xem hết thì đã có thêm phim mới, truyện chưa kết thì đã có truyện sau. Sẽ không bao giờ là đủ nếu ta không cảm thấy đủ và dừng bản thân lại. Rồi em sẽ nhận ra việc mất thời gian không phải là một chút. Sự sa sút là tất yếu. Và sự sa sút đó sẽ tạo điều kiện cho nhiều người khác vượt qua em, không sớm thì muộn mà thôi.

Anh lại thấy các em rất hay sưu tập phim cũ chưa xem, truyện cũ chưa đọc, trò chơi cũ chưa kịp chơi. Nhưng các em có đủ thời gian cho những điều đó không khi mỗi ngày trôi qua lại có thêm hàng đống những thứ giống như thế xuất hiện. Rồi em sẽ để nó dồn ứ đến khi nào ? Khi người ta nhìn về phiá trước mà còn không đủ thời gian, huống hồ em lại tập cho mình thói quen nuối tiếc nhìn ra phiá sau, rồi sẽ đến lúc tự nhiên vấp ngã..
Hồi máy tính anh bị hư ổ cứng, mất biết bao nhiêu là những tài liệu mà anh cho là hay, giữ lại để sưu tầm nhưng chưa một lần đủ thời gian xem qua hết. Đến khi mất thì mất cả dữ liệu và nghĩ lại mất luôn thời gian, công sức bỏ ra sưu tầm về. Anh có người bạn sưu tầm rất nhiều đĩa phim hay, nhưng hỏi ra mới biết quá nửa chưa bao giờ xem. Anh mượn vài đĩa về xem, đến khi bật lên thì hỏng cả. Những người chụp ảnh nghiệp dư thường chụp rất nhiều ảnh để đầy trong thẻ nhớ và máy tính, trong khi những người chuyên nghiệp thì mỗi cái bấm máy cuả họ đều có chủ đích và suy nghĩ. Đó là vì họ tiếc hai điều, một là máy ảnh chỉ có thể chụp khoảng 10.000 tấm là sẽ bắt đầu có tình trạng hỏng, chụp càng nhiều khi bán đi càng mất giá, hai là chụp nhiều quá cũng không có thời gian xem hết. Chỉ vì tiếc những thứ em cho là không có cơ hội gặp lại mà tích trữ thật nhiều, suy cho cùng không bằng chọn lọc ra vài thứ thực sự cần thiết để giữ mà thôi.

Lại có người rất thích tìm hiểu và sưu tầm những kỹ thuật vẽ cao cấp, nhưng xem nhiều đến mức không biết phải bắt đầu từ đâu, cái gì cũng muốn, cũng thích. Nghĩ sẽ áp dụng cái này, cái nọ, rồi lại tìm ra được cái khác hay hơn, nhưng chẳng bao giờ đặt bút vẽ. Người này mong muốn tác phẩm cuả mình khi ra đời phải thật xuất sắc, để rồi mãi chưa có tác phẩm nào. Trong khi có mấy người cũng bắt đầu cùng lúc, họ cứ cố hoàn thành tác phẩm, sau đó gửi lên các diễn đàn cho người khác nhận xét rồi hoàn thiện kỹ năng dần dần. Cứ như thế, vẽ thật nhiều, sau này tiến bộ vượt bậc. Hơn nữa thời gian xuất hiện trước mọi người liên tục, được nhiều người biết tới và có cơ hội tham gia những triển lãm lớn. Suy cho cùng một bên cứ mãi không vừa lòng với những gì mình có, không bao giờ cho là đủ và mãi tìm kiếm, còn một bên cố hoàn tất những gì ở hiện tại, để bắt tay vào làm việc khác, sử dụng thời gian hợp lý nên không bị uổng phí công sức.

Không có gì có thể làm người ta tiến bộ được nếu không bắt tay vào làm việc. Mọi ý tưởng hay mà giữ trong đầu không thực hiện thì cũng chỉ là ở mức ý tưởng. Những ý tưởng chưa hay nhưng biết kết hợp làm việc để hoàn thiện thì sớm muộn cũng sẽ gặt hái, không ít thì nhiều.

Các em phải nhớ rằng việc tự mãn mà cho phép dễ dãi với bản thân, hoặc không làm việc, hoặc dành thời gian làm những việc không cần thiết đều có thể giết chết con người ta bằng những cách như nhau. Cầu thủ nọ nếu không tự mãn, dễ dãi một lần thì sẽ không dễ dàng bị mua chuộc. Những nhà báo nếu nhận mức lương cao mà vẫn đầu tư thời gian và công sức làm việc thì lại càng có cơ hội thăng tiến. Người sưu tầm phim ảnh nếu không chỉ sưu tầm mà còn xem kỹ và dành thời gian viết bình luận phim gửi cho các báo thì không những thực hiện được điều mình thích mà còn sống có ích. Người học vẽ biết đưa những điều mình học được vào thử nghiệm trong tác phẩm thì sẽ trau chuốt được ngòi bút cuả mình. Hoặc bằng không, ngược lại, thì kết cục đều như nhau cả.

Nếu như em không biết chọn lọc và làm việc cần thiết thì hôm nay thiệt hại vẫn còn nhỏ, nhưng về lâu về dài, sợ rằng em sẽ rơi vào cái thòng lọng cuả người khác bày ra, như cách mà ông chủ toà báo trên kia đã làm, rồi mất đi cả tương lai. Lại giả sử rằng nếu có một đất nước nào đó muốn phá hoại đất nước ta, tạo ra một trò chơi khiến hàng trăm nghìn trẻ em và thanh niên mê mẩn, hậu quả hiện thời chưa lớn nhưng vài năm sau có thể kéo tụt sự phát triển cuả cả một thế hệ, một dân tộc. Vậy mới thấy việc dễ dãi với bản thân và người khác ngày hôm nay lại cũng chính là điểu tai hại cho ngày mai.

Nên các em phải tự thức tỉnh mình, biết cân nhắc, đánh giá sự việc. Chọn cho mình cách cư xử, làm việc hợp lý, không để bị cuốn theo những thú vui nhất thời mà cho phép mình dễ dãi thì mới có thể thành công và không rơi vào sự lợi dụng cuả kẻ khác.

Chiếc giày ta mang nếu không dùng để chạy thì sẽ là chiếc giày đạp lên tương lai ta..

Anh cuả các em.

-Land-